Sớm tháo gỡ bất cập trong lập Quy hoạch Thủ đô
Đây là quy hoạch lần đầu tiên được lập theo phương pháp tích hợp đa ngành, tuy nhiên do chưa có hướng dẫn cụ thể nên việc tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực còn có lúng túng, dẫn đến triển khai chậm.
Lúng túng nội dung tích hợp
Luật Quy hoạch 2017 ra đời đã thay đổi căn bản phương pháp lập quy hoạch, trong đó việc tích hợp quy hoạch là yêu cầu cốt lõi, được nghiên cứu đồng bộ và đảm bảo tính liên kết, thống nhất giữa các ngành, lĩnh vực, tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan chức năng, nhất là đối với đô thị lớn, đặc biệt như Hà Nội.
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, điểm khác biệt nổi bật khi lập quy hoạch tỉnh trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và TP.HCM so với các tỉnh là ranh giới lập quy hoạch tỉnh trùng với ranh giới lập quy hoạch chung đô thị. Điều này khiến việc xác định mức độ nghiên cứu, cũng như các vấn đề được tích hợp trong hai bản quy hoạch dường như không phân biệt được. Thực tế, chưa có một văn bản pháp luật nào hướng dẫn nội dung này. Đây là một trong số những nguyên nhân căn bản khiến cho công tác lập quy hoạch tỉnh ở Hà Nội và TP.HCM gặp nhiều trở ngại.
Cũng theo ông Lưu Quang Huy, mặc dù Bộ KH&ĐT đã hướng dẫn chi tiết được 8/15 nội dung tích hợp các phương án phát triển ngành trong số các phương án tích hợp cơ bản theo Luật Quy hoạch 2017 tuy nhiên, Bộ lại chưa làm rõ được các vấn đề quan trọng khác như khu kinh tế, công nghiệp, chế xuất; hệ thống đô thị; dân cư; bảo tồn; nông nghiệp, nông thôn…
Ngoài ra, hiện nay, các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng đang trong quá trình triển khai lập đồng thời nên những nội dung định hướng cần tích hợp vào quy hoạch tỉnh chưa thực sự rõ ràng cũng là khó khăn khi lập quy hoạch tỉnh.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho hay, 5 thành phố trực thuộc Trung ương trong đó có Hà Nội từ lâu đã được lập Quy hoạch chung xây dựng cho 20 năm, tầm nhìn đến 30 – 40 năm trên cơ sở tuân thủ Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và các luật có liên quan. Trong thực tế xây dựng đô thị, quy hoạch này đã phát huy tác dụng trong việc triển khai xây dựng và quản lý đô thị có hiệu quả, đó là minh chứng cho công tác quy hoạch xây dựng trong thời gian qua.
Hiện nay, Hà Nội vừa phải triển khai nghiên cứu lập Quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch vừa phải tổ chức lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị và xây dựng Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050… Điều này là không cần thiết và gây tốn kém về nguồn lực và thời gian thực hiện… Dù theo cách nào thì các quy hoạch cấp trên không nên trở thành rào cản khi triển khai các quy hoạch cấp dưới.
Vì vậy, nếu thực hiện quy hoạch tỉnh cho 5 thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Quy hoạch sẽ khó thực thi được do những nội dung quan trọng như tổ chức không gian, cảnh quan, tổ chức hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và tổ chức quản lý các khu chức năng sẽ rất khó thực hiện, trong khi các quy hoạch trước đây đã đạt được yêu cầu từ 80 – 90% theo Luật Quy hoạch.
Bên cạnh đó, nếu lập quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Quy hoạch thì khối lượng dữ liệu, thông tin cần tích hợp là rất lớn và phức tạp, kéo theo quá trình lập, thẩm định, lấy ý kiến phải cần rất nhiều thời gian, thủ tục thỏa thuận, lấy ý kiến nhiều cấp, nhiều đơn vị, ngành, quận, huyện… mà mỗi ngành lại có định hướng, chỉ tiêu riêng, gây khó khăn khi thống nhất, tích hợp trong cùng một quy hoạch.
Cần sớm có hướng dẫn cụ thể
Đến nay, mối quan hệ giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung xây dựng đô thị đối với các đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP.HCM chưa từng có tiền lệ, cũng như hệ thống văn bản pháp luật chưa đề cập đầy đủ các diễn biến thực tế đang diễn ra.
Vì vậy theo ông Lưu Quang Huy, để tháo gỡ những vấn đề bất cập, mỗi đô thị cần xác định cho mình những yếu tố đặc thù liên quan đến 2 quy hoạch nhằm xác định mức độ nghiên cứu của từng loại quy hoạch cho phù hợp, tránh chồng chéo, trùng lặp. Đồng thời, kiến nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể về nội dung tích hợp, bản đồ tích hợp, cơ sở dữ liệu khi tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng bộ với Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Trước đây, các quy hoạch xây dựng cũng đã áp dụng theo phương pháp lồng ghép, tích hợp đa ngành, thường gồm quy hoạch không gian lãnh thổ và quy hoạch hệ thống đô thị bao gồm quy hoạch các điểm đô thị, hệ thống đô thị, điểm dân cư, khu công nghiệp, khu chức năng đô thị, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật… Trong đó quy hoạch không gian lãnh thổ xác định những định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, kết nối với một tầm nhìn chung, một chiến lược phát triển, hướng tới những mục tiêu ưu tiên và phải gắn với việc tổ chức thực hiện.
Do vậy, ông Trần Ngọc Chính đưa ra quan điểm: Việc lập quy hoạch tỉnh nên chăng cần có sự xem xét, đánh giá lại và kế thừa từ những quy hoạch xây dựng là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được thực hiện suốt gần 60 năm qua. Loại hình quy hoạch này phù hợp với thông lệ quốc tế, được gọi là quy hoạch không gian hoặc quy hoạch vật thể, mà ở nước ta gọi chung là Quy hoạch xây dựng.
Với góc nhìn của người đã tham gia thực hiện hàng trăm đồ án quy hoạch lớn nhỏ, trong đó phần lớn là các đồ án quy hoạch đô thị, KTS Hà Thị Thanh, Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) cho rằng, việc thực hiện quy hoạch tỉnh là một sự lãng phí lớn về nguồn lực tài chính, con người, trong khi chưa mang lại hiệu quả về quy hoạch ở cấp tỉnh, hơn nữa còn gây ra nhiều khó khăn bất cập trong việc thực hiện các đồ án quy hoạch cấp dưới.
Đồ án quy hoạch tỉnh ở một số địa phương quá chú trọng đến “quota đất dự án” dẫn đến quá chi tiết trong việc quy hoạch sử dụng đất, mất đi tính chiến lược phát triển vùng. Do đó, đối với quy hoạch cấp tỉnh, cấp vùng tỉnh trở lên chỉ nên lập quy hoạch chiến lược, tức quy hoạch mang tính định hướng phát triển kinh tế – xã hội như các nước đã và đang thực hiện. Sau đó, công tác lập quy hoạch hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn của từng đơn vị hành chính cấp tỉnh cấp huyện.