Sớm đưa dự án đường nối Quảng Ninh – Lạng Sơn về đích

Sớm đưa dự án đường nối Quảng Ninh – Lạng Sơn về đích

Dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 342 (kết nối Quảng Ninh với Lạng Sơn), không khí thi công nhộn nhịp, khẩn trương trong những ngày cuối cùng của năm 2023

Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 342 nối TP Hạ Long với huyện Ba Chẽ và tỉnh Lạng Sơn được khởi công ngày 1/1/2023. Đây là một phần của dự án tổng thể nâng cấp, mở rộng toàn bộ tuyến đường tỉnh 342 dài hơn 60km, với vốn đầu tư khoảng 4.800 tỉ đồng của Quảng Ninh để kết nối TP Hạ Long với tỉnh Lạng Sơn.

Ở giai đoạn 1, dự án có chiều dài 20,9km, đi qua địa bàn huyện Ba Chẽ (điểm đầu nối với xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long tại Km37+500, đường tỉnh 342; điểm cuối nối với xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn tại Km58+405) có tổng mức đầu tư trên 800 tỷ đồng. 

Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III miền núi, 2 làn xe, rộng 9m, thực hiện cạp mở rộng và hạ dốc, cắt cua trên cơ sở hướng tuyến cũ. Trên tuyến thiết kế 4 cầu gồm: Thác Dạ, Thác Chạ, Khe Lũ, Khe Lào và 1 nút giao đồng mức giao cắt với tỉnh lộ 330; hệ thống thoát nước, phòng hộ và an toàn giao thông…

Theo lãnh đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, sở dĩ dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 342 được thi công một cách thuận tiện, nhanh chóng như hiện nay là nhờ sự vào cuộc tích cực của chủ đầu tư, nhà thầu và sự quyết liệt trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) của chính quyền huyện Ba Chẽ.

Khi tuyến tỉnh lộ 342 hoàn thành sẽ rút ngắn quãng đường đi từ Lạng Sơn đến (tính từ Km 74+700, quốc lộ 4B) đến TP Hạ Long chỉ khoảng 50km. Hiện nay, phía Lạng Sơn đã đầu tư đoạn nối đường tỉnh 342 đến quốc lộ 4B dài 9,8km.

Để thực hiện dự án, cần thu hồi hơn 75,3ha diện tích đất các loại như trồng lúa, rừng sản xuất, đất nông nghiệp của 163 tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn hai xã Thanh Lâm và Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ…

Nhận thức được mặt bằng là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo tiến độ dự án, cấp ủy chính quyền huyện Ba Chẽ đã nhanh chóng huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để phối hợp kiểm đếm, xây dựng phương án đền bù, giải phóng mặt bằng. 

Cùng với đó, các ban ngành đoàn thể từ xã đến huyện đã ngày, đêm bám bản, bám địa bàn để vận động người dân nhanh chóng đồng thuận ký phương án, nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Chỉ trong một thời ngắn, 100% các hộ đã đồng thuận phương án giải phóng mặt bằng. Thậm chí, nhiều hộ đã bàn giao ngay mặt bằng khi chưa nhận tiền.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích