Sớm đảm bảo nguồn cung cho thị trường lao động

Để cung – cầu bắt tay nhau

Báo cáo thị trường lao động Hà Nội tháng 8 mới đây của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho thấy, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động mạnh vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, những nơi tập trung lượng lớn lao động.

Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là công nhân lao động đang thuê trọ ở các khu nhà trọ trong khu vực bị phong tỏa, cách ly, lao động trong doanh nghiệp có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải, cơ sở giáo dục ngoài công lập, lao động tự do…Ngoài ra, nhóm lao động có kỹ năng thấp cũng phải đối mặt với nguy cơ bị ngừng việc hoặc mất việc làm.

Sớm đảm bảo nguồn cung cho thị trường lao động
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tăng cường kết nối trực tuyến với người lao động.

Kết quả thu thập thông tin việc làm trống của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội trong tháng 8/2021 cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động có xu hướng giảm ở ngành công nghiệp, gia công, lắp ráp hàng hóa, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và nhóm lao động giản đơn. Các doanh nghiệp chú trọng tuyển dụng ở nhóm vị trí nhân viên văn phòng, nhóm các lao động đã qua đào tạo và có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Trong khi đó, nhu cầu tìm việc tập trung ở nhóm người lao động dưới 40 tuổi (chiếm 87,27%) và nhóm lao động có trình độ công nhân kỹ thuật không có chứng chỉ nghề (chiếm 62,8%). Người lao động đa số có nhu cầu tìm việc tại các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, các vị trí lao động giản đơn, thợ các loại, nhân viên văn phòng… Mức lương trung bình mà người lao động mong muốn nhận được chủ yếu là trong khoảng 5-9 triệu đồng/tháng (chiếm 80,3%).

Nhằm đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh theo các chỉ thị của Thành phố, đồng thời đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường lao động trong tình hình mới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã triển khai các hoạt động chắp nối việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm, thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động theo hình thức gián tiếp và trực tuyến.

Theo đó, trong tháng 8, đã có 484 lượt doanh nghiệp đăng ký tham gia tuyển dụng với tổng số 7.634 chỉ tiêu; có 1.763 lượt lao động được phỏng vấn kết nối việc làm qua các hình thức gián tiếp (điện thoại, email) và phỏng vấn trực tuyến. Kết quả đã có 598 lao động được nhận hồ sơ, tuyển dụng.

Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục triển khai công tác thu thập việc làm trống, cập nhật thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động vào cơ sở dữ liệu cung cầu, tăng cường kết nối online cho doanh nghiệp và người lao động qua zalo, facebook…

Giúp người lao động tiếp cận cơ hội việc làm tốt

Nhận định về thị trường lao động Hà Nội cũng như cả nước thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng chỉ ra 4 thách thức đó là: Giá cả một số nguyên vật liệu, giá cước vận tải trên thị trường thế giới tăng sẽ ảnh hưởng đến nguồn nguyên vật liệu trong nước. Nguồn cung lao động bị ảnh hưởng nặng nề và có khả năng thiếu hụt tạm thời.

Sớm đảm bảo nguồn cung cho thị trường lao động
Tăng cường đào tạo nghề giúp người lao động tiếp cận với nhiều cơ hội công việc.

Việc lưu thông hàng hóa vẫn bị hạn chế do giãn cách xã hội, đặc biệt luồng thương mại quốc tế sẽ bị thu hẹp khi dịch bệnh tái bùng phát diện rộng trên toàn thế giới và doanh nghiệp cần có thời gian để phục hồi, kết nối các nguồn cung, cầu hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng đánh giá, kịch bản thị trường lao động ở Hà Nội sau giãn cách sẽ phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh, công tác tiêm vắc xin cho người dân và hiệu quả của các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế.

Với kịch bản Thành phố nới lỏng một phần một số hoạt động kinh tế, sản xuất kinh doanh quan trọng trong trạng thái bình thường mới, thì tình trạng thiếu việc làm sẽ được cải thiện. Dự báo số lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 như: Giảm giờ làm, ngừng việc, giảm thu nhập khoảng từ 1-1,2 triệu lao động.

Số lao động thất nghiệp khoảng từ 5-6 nghìn lao động. Với kịch bản là các hoạt động kinh tế tiếp tục phải đóng cửa, dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở mức 2,7- 3%, tình trạng thiếu việc làm sẽ tăng cao. Số lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh dự báo khoảng từ 1,5-1,7 triệu lao động, số lao động bị thất nghiệp từ 8-10 nghìn lao động.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm việc làm Hà Nội thông tin Trung tâm luôn chuẩn bị các biện pháp để ứng phó với các tình huống dịch bệnh diễn ra để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp phục hồi vượt qua dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục triển khai linh hoạt các biện pháp xây dựng phương án hỗ trợ người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, khai báo thông tin tìm kiếm việc làm dưới hình thức gián tiếp, quan trọng nhất là dự báo kịp thời về tình hình lao động việc làm trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để có phương án kết nối cung cầu phù hợp với bối cảnh.

Trao đổi về giải pháp phục hồi thị trường lao động sau thời gian giãn cách xã hội, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho rằng cần đẩy mạnh việc kết nối thị trường lao động, tăng cường vai trò của các Trung tâm dịch vụ việc làm.

Theo bà Hương, hiện nay việc chi trả quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động mất việc trong mùa dịch đang được thực hiện khá tốt, song về lâu dài để giúp người lao động có việc làm bền vững cần sử dụng có hiệu quả hơn nữa nguồn ngân sách từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lao động. “Điều này sẽ giúp người lao động tiếp cận được với những cơ hội việc làm tốt hơn. Việc huy động hiệu quả quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian này để phục hồi thị trường lao động là rất quan trọng”, bà Hương nhấn mạnh.

Tú Anh

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích