Sớm ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Sớm ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Hiện đã có 30 địa phương bắt đầu triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình. Từ nay đến hết năm 2024, yêu cầu bắt buộc các địa phương phải ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có công tác phân loại.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Đó là chia sẻ của ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề phân loại, xử lý rác thải tại nguồn.

Phóng viên (PV):Theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ chính thức thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Vậy đến thời điểm này, Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn kỹ thuật gì đối với các địa phương để bảo đảm tiến độ đề ra?

Ông Hoàng Văn Thức: Theo thống kê của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, có 16 tỉnh, thành phố đã ban hành quy định quản lý chi tiết về chất thải rắn sinh hoạt trong đó có công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đây là quyết định bắt buộc trong Luật, chính quyền địa phương bắt buộc phải ban hành.

Ngoài ra, theo thống kê của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, một số địa phương tuy chưa ban hành quyết định về quản lý nhưng đã có hướng dẫn về mô hình phân loại rác tại nguồn, tại các hộ gia đình, đã được triển khai tại 14 địa phương. Như vậy, đã có 30 địa phương bắt đầu triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình.

Để kịp tiến độ từ nay đến hết năm 2024, yêu cầu bắt buộc các địa phương phải ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có công tác phân loại.

Hướng dẫn của Bộ TN&MT mới là hướng dẫn chung theo Luật đưa ra 3 nhóm định danh tên để nhận diện, để hướng dẫn các địa phương. Về cụ thể địa bàn từng tỉnh sẽ ban hành quy định về khu vực thu gom rác.Trước đây, công tác thu gom, phân loại không đồng bộ về công nghệ xử lý, hiện bắt buộc phải có công nghệ xử lý song hành với hệ thống tuyến thu gom, phân loại rác.

Ví dụ, tại địa phương quy hoạch có nhà máy sản xuất phân compost thì đương nhiên là những địa bàn thu gom rác thải sinh hoạt ở đấy phải hướng dẫn bà con phân loại 3 nhóm chính theo Luật (tức là phân chia ra thành chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác).

Đối với khu vực khác đã xây dựng nhà máy đốt rác, phát điện thì chỉ hướng dẫn bà con phân loại rác sơ bộ, tức là chỉ có nhóm tái chế tách ra như chai lọ nhựa, thủy tinh hay kim loại… Còn loại rác đem đốt được thì hướng dẫn bà con vận chuyển rác đúng nơi quy định.

Còn tại khu vực vẫn đang tồn tại chôn lấp rác, hạ tầng chưa có thì hướng dẫn bà con phân loại rác có thể tái chế theo Luật, còn lại để chôn lấp. Tuy nhiên, dù áp dụng công nghệ nào thì công tác phân loại rác vẫn triển khai được trên toàn quốc.

Chúng tôi đi khảo sát kinh nghiệm thế giới thì thấy, để làm công tác hướng dẫn phân loại này thì các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng mất hàng chục năm; thậm chí để tạo thành thói quen phân loại rác đúng quy định thì mất một thế hệ. Do vậy, chúng ta cũng đừng quá sốt ruột, phải đi theo lộ trình và phải phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Quan trọng, chúng ta có Luật rồi và bây giờ phải triển khai đồng loạt trên toàn quốc, trên 63 tỉnh, thành cùng phải vào cuộc để tổ chức phân loại rác.

Việc phân loại tại các tỉnh phụ thuộc nhiều vào yếu tố, trong đó có điều kiện kinh tế, hạ tầng kỹ thuật về thu gom, xử lý tại từng địa phương. Bởi vậy, các địa phương cần phải chủ động hơn.

PV:Nguyên tác ai xả rác nhiều thì trả tiền nhiều, rác sẽ được tính theo khối lượng và thể tích. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… khối lượng phát sinh rác nhiều, camera giám sát ít… Vậy Cục có hướng dẫn gì cho các địa phương có đặc thù thưa ông?

Ông Hoàng Văn Thức: Vấn đề này đang triển khai cho các địa phương. Trong Luật tính phí hộ gia đình theo thể tích và khối lượng, giao chính quyền địa phương ban hành mức thu này.

Hiện nay, một số địa phương đang giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc các Công ty môi trường đô thị thành phố để tính toán. Thông thường Nhà nước sẽ vẫn hộ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình.

Một số địa phương như Hà Nội đang tính toán làm sao để rác đáp ứng đủ công tác thu gom, vận chuyển, phí cho công tác này người dân phải nộp chi trả. Hiện nay Hà Nội đang tính toán 1 người/tháng là khoảng hơn 20 nghìn đồng.

Trong nguyên tắc hướng dẫn phân loại hộ gia đình đã quy định rõ, với hộ gia đình và cá nhân nếu phân loại thành rác tái chế hoặc rác thải nguy hại thì hai nhóm này không phải trả tiền. Nhóm còn lại là rác thực phẩm hay loại khác thì phải trả tiền. Thông thường, các hộ gia đình thấy cần thiết phải tách thì có thể giảm được khối lượng rác đáng kể. Ví dụ các loại rác từ hộ gia đình có thể tách, phân loại rác ra thành đồ dùng có thể tái chế được từ giấy, thủy tinh, chai lọ…

Để làm được điều này cần có sự phối hợp của chính quyền địa phương, tuyên truyền và hướng dẫn người dân tổ chức thực hiện, phải gắn với cơ sở xử lý cuối cùng. Cuối cùng dù chi tiết hay sơ bộ thì chúng ta vẫn phân loại được ít nhất là nhóm tái chế, tái sử dụng từ chất thải nguy hại. Phân loại được như vậy thì người dân không phải trả tiền. Trong trường hợp hộ gia đình nào không phân loại được mà thành phố áp giá chung thì phải trả phí cao hơn những hộ gia đình đã phân loại rác.

PV: Tức là vẫn có chuyện chúng ta tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người thưa Cục trưởng?

Ông Hoàng Văn Thức: Vấn đề này phụ thuộc vào từng địa phương. Về phía Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, chúng tôi đang hướng dẫn phải thực hiện theo quy định để tính toán.

Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tổ chức các đoàn đi công tác các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương trong việc tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường của người dân.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích