Sớm bàn giao mặt bằng sạch để làm các dự án sân golf ở Tây Nguyên
Dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng chính quyền hai tỉnh Tây Nguyên vẫn ưu tiên cho 2 dự án sân golf ở huyện Đăk Đoa (Gia Lai) và Kon Plông (Kon Tum).
Sân golf ở độ cao trên 1.200m so với mực nước biển
Trước đó, Tập đoàn FLC tiến hành khảo sát và xúc tiến đầu tư một loạt các dự án lớn với nguồn vốn đầu tư dự kiến hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể như Dự án Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ tại phường Thống Nhất, TP. Kon Tum; Dự án Tổ hợp sân golf, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí và đô thị Măng Đen, huyện Kon Plông…
Dự án sân golf tại huyện Kon Plông phù hợp với Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2013; thuộc danh mục các dự án thu hút đầu tư vào tỉnh Kon Tum giai đoạn 2018 – 2020.
Dự án sân golf có quy mô đầu tư xây dựng với 18 lỗ, vị trí tại “đất vàng” ở thị trấn Măng Đen, tổng diện tích đất khoảng 64,6ha. Hiện trạng khu đất là khu vực có địa hình đồi núi cao, có độ dốc lớn, cảnh quan thoáng đãng, thiên nhiên trữ tình…
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum, sân golf có thời hạn hoạt động trong khoảng thời hạn 50 – 70 năm. Số lao động giải quyết việc làm khoảng 100 người, chủ yếu là lao động tại địa phương. Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến khoảng 700 tỷ đồng. Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch dự án hiện tại là đất canh tác nông nghiệp.
Theo ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, chính quyền tỉnh sẽ giải quyết vướng mắc còn tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng sạch để nhà đầu tư triển khai các dự án. Chính quyền tỉnh kỳ vọng các dự án của Tập đoàn FLC sẽ góp phần thay đổi diện mạo đô thị, thu hút đầu tư, giải quyết công ăn việc làm cho người dân.
Bảo vệ rừng thông, không làm hư hại đồi cỏ hồng
Còn tại tỉnh Gia Lai, trong cuộc họp về tháo gỡ khó khăn các dự án trọng điểm mới đây, UBND tỉnh Gia Lai đã giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND huyện Đăk Đoa hỗ trợ, hướng dẫn Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC hoàn chỉnh phương án di thực các cây thông trong vùng dự án. Việc di thực nhằm bảo vệ cảnh quan môi trường, rừng thông cổ thụ và thắng cảnh đồi cỏ hồng hơn 40 năm tuổi. Tỉnh Gia Lai cũng gấp rút hoàn thiện các thủ tục có liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Được biết, khu vực thực hiện dự án sân golf Đăk Đoa có diện tích 174ha. Trong đó, diện tích đất có rừng gần 156ha, diện tích đất chưa có rừng là hơn 18ha. “Dự án sân golf đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đánh giá tác động môi trường, chúng tôi mong muốn sự đồng thuận để dự án sớm đi vào thực hiện, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Chúng tôi khẳng định việc làm dự án không ảnh hưởng đến rừng thông cổ thụ mà còn khoanh vùng, mở rộng số thông xanh tự nhiên này”, ông Hồ Phước Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho hay.
Sân golf Đắk Đoa là một trong những dự án phù hợp với xu hướng phát triển các khu du lịch, tỉnh Gia Lai dự kiến sẽ tạo ra khoảng 1.000 việc làm cho nhân dân trong vùng.