Sóc Trăng rộn ràng Lễ hội Óoc Om Bóc – Đua ghe Ngo

(Xây dựng) – Trong 02 ngày 7 – 8/11, tại thành phố Sóc Trăng đã diễn ra Lễ hội Óoc Om Bóc – Đua ghe Ngo tưng bừng hào hứng với 54 đội ghe Ngo của các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long tham gia tranh tài. Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V Sóc Trăng năm 2022 có 45 ghe Ngo nam, 09 ghe Ngo nữ với khoảng 6.000 vận động viên tham dự, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận kỷ lục Guiness “Lễ hội Óoc Om Bóc – Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng có số lượng ghe và vận động viên tham gia nhiều nhất Việt Nam từ năm 2005 đến nay.

soc trang ron rang le hoi ooc om boc dua ghe ngo
Sắc màu ghe Ngo trên dòng sông Maspéro.

Trưa ngày 7/11, nắng nóng chói chang nhưng hàng ngàn cổ động viên, du khách đã có mặt từ sớm đứng kín kéo dài hơn 01km hai bên bờ sông Maspéro để chờ xem đua ghe Ngo. 54 ghe Ngo nam, nữ của 07 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã hội tụ tập kết trên sông Maspéro đủ sắc màu trang phục đỏ, cam, xanh, vàng của vận động viên như một bức tranh sơn màu rực rỡ. Sau Lễ tuyên bố khai mạc Đua ghe Ngo của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, với lời chúc mừng tốt đẹp đến các đội tham dự, đồng thời mong muốn các vận động viên thi đấu hết mình, với tinh thần thể thao đoàn kết, trung thực, cao thượng để giải đấu diễn ra thành công tốt đẹp; dàn nhạc Ngũ âm rộn ràng vang lên, các ghe Ngo bắt đầu di chuyển đến điểm xuất phát cuộc đua, trông rất đẹp mắt.

Cuộc đua ghe Ngo năm nay thu hút 54 đội ghe Ngo (9 đội nữ và 45 đội nam) đến từ các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, trong đó, đơn vị chủ nhà Sóc Trăng tham dự đến 40 đội, với 37 đội nam và 3 đội nữ. Theo thể lệ cuộc thi, nội dung nam chia làm 11 bảng, với 66 trận đấu vòng loại, 16 trận đấu chéo, đến vòng 1/8 sau 16 trận các đội giành chiến thắng sẽ vào tứ kết, bán kết và chung kết; đối với những bảng có 5 đội sẽ chọn 3 đội ghe nhất, nhì, ba và 1 vé vớt (tư), còn các bảng có 4 đội thì chọn thêm đội đứng thứ ba (vé vớt bốc thăm) vào vòng 32 đội. Ở nội dung ghe Ngo nữ chia làm 3 bảng, mỗi bảng 3 đội, thi đấu vòng loại chọn 3 đội nhất, nhì, ba để vào bán kết và chung kết. Giải diễn ra từ ngày 7 đến ngày 8/11.

Theo cơ cấu giải thưởng, đội ghe Ngo nam tranh tài cự ly 1.200m, đoạt chức vô địch sẽ được trao tiền thưởng 200 triệu đồng, giải nhì là 150 triệu đồng, giải ba 100 triệu đồng và giải tư 80 triệu đồng. Đối với ghe Ngo nữ thi đấu cự ly 1.000m, đội vô địch sẽ nhận được tiền thưởng 150 triệu đồng, giải nhì 100 triệu đồng, giải ba 80 triệu đồng, giải tư 50 triệu đồng. Đồng thời, Ban tổ chức còn trao tiền hỗ trợ 20 triệu đồng cho mỗi đội tham dự.

soc trang ron rang le hoi ooc om boc dua ghe ngo
Dàn nhạc Ngũ âm rộn ràng vang lên cổ vũ đua ghe Ngo.

Cuộc tranh tài đua ghe Ngo tưng bừng, quyết liệt đầy hào hứng. Dòng sông Maspéro vốn yên lặng uốn lượn bên thành phố Sóc Trăng thơ mộng thường ngày đã trở nên dậy sóng của ghe Ngo và tiếng reo hò của các vận động viên, cổ động viên. Đua ghe Ngo là sự kiện chính của Lễ hội Óoc Om Bóc. Lễ hội Óoc Om Bóc năm nay trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII nên vận động viên, cổ động viên và du khách đến xem đông hơn.

Qua 02 ngày tranh tài quyết liệt, ở nội dung đua ghe Ngo nam, Ban tổ chức đã trao Cúp vô địch cho đội ghe Ngo Wath Pích của thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng); các đội ghe Ngo đến từ huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) gồm: Pong Tứk Chắs đoạt hạng Nhì và Ông Kho đoạt hạng Ba; đại diện của huyện Trần Đề (Sóc Trăng) là đội ghe Ngo Bưng Ton Sa đoạt hạng Tư.

Ở nội dung đua ghe Ngo nữ, đội Prêk Chêk của thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đã xuất sắc vượt qua các đối thủ giành Cúp vô địch; hạng Nhì thuộc về đội ghe Tum Núp của huyện Châu Thành đều của tỉnh Sóc Trăng; hạng ba là đội khách Cà Nhum của tỉnh Kiên Giang và hạng tư là đội ghe Ngan Dừa của tỉnh Bạc Liêu.

soc trang ron rang le hoi ooc om boc dua ghe ngo
Đua nhau về đích.

Cuộc tranh tài đua ghe Ngo đã khép lại, các vận động viên vui vẻ bắt tay tạm biệt về lại với ruộng vườn lo mùa màng và hẹn lại mùa Lễ hội Óoc Om Bóc lần sau với niềm mong ước mùa màng tốt tươi, mọi người làm ăn được khá giả trong năm như cầu mong trong Lễ hội cúng Trăng Óc Om Bóc – Đút cốm dẹp, một nghi lễ nông nghiệp của cư dân Khmer được tổ chức hàng năm vào ngày 15/10 Âm lịch tưởng nhớ đến ơn Mặt Trăng vốn được người Khmer xem là một vị thần bảo hộ cho mùa màng tốt tươi và làm ăn khá giá cho mọi nhà, để mọi người cùng nhau vui Lễ hội đua ghe Ngo.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích