Sóc Trăng: Mục tiêu hỗ trợ 95 sản phẩm, hàng hóa áp dụng tiêu chuẩn cơ sở

UBND tỉnh Sóc Trăng vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2025 định hướng năm 2030 trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Kế hoạch).

Mục tiêu chung của kế hoạch là hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã của tỉnh Sóc Trăng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh Sóc Trăng.

Giai đoạn 2021 – 2025 phấn đấu tổ chức 4 đợt hội thảo, hội nghị tuyên truyền phổ biến và 4 khoá đào tạo về các nội dung có liên quan đến năng suất chất lượng; tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh, văn bản quy phạm pháp luật; Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG); truy xuất nguồn gốc,… cho các doanh nghiệp và cán bộ của cơ quan chức năng trong tỉnh có liên quan, giảng viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hiện có của tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường kiến thức về năng suất chất lượng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong giai đoạn này, Kế hoạch đặt mục tiêu hỗ trợ 75 sản phẩm, hàng hóa của tỉnh được tư vấn, công bố, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở; tư vấn, chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc tế; tư vấn, chứng nhận phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Quy chuẩn kỹ thuật địa phương; tự công bố sản phẩm, hàng hoá theo quy định.

Hỗ trợ ít nhất 40 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã trong việc tư vấn xây dựng, áp dụng, chứng nhận hệ thống quản lý tiên tiến, trong đó quan tâm đến việc áp dụng các hệ thống quản lý về an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp; công cụ cải tiến năng suất cơ bản; hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P); thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh,…; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh.

Tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp tư vấn, công bố, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở; tư vấn, chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh minh họa

Hỗ trợ 3 đơn vị thực hiện tư vấn xây dựng, áp dụng, đánh giá chứng nhận, nâng cấp theo ISO/IEC 17025; Hỗ trợ ít nhất 5 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã tham dự GTCLQG và có ít nhất 2 lượt doanh nghiệp được trao tặng GTCLQG. Tôn vinh, khen thưởng các doanh nghiệp được trao tặng GTCLQG;

Đào tạo ít nhất 15 chuyên gia năng suất chất lượng tại các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã; Thực hiện tính mức độ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.

Kế hoạch đề ra giai đoạn 2026 – 2030 tổ chức 4 đợt hội thảo, Hội nghị tuyên truyền phổ biến và 06 khoá đào tạo về các nội dung có liên quan đến năng suất, chất lượng; tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh, văn bản quy phạm pháp luật; GTCLQG; truy xuất nguồn gốc,… cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã và cán bộ của cơ quan quản lý chức năng trong tỉnh có liên quan, giảng viên, sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hiện có của tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường kiến thức về năng suất chất lượng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong giai đoạn này, Kế hoạch đặt mục tiêu hỗ trợ 95 sản phẩm, hàng hóa của tỉnh được tư vấn, công bố, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở; tư vấn, chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc tế; tư vấn, chứng nhận phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Quy chuẩn kỹ thuật địa phương; tự công bố sản phẩm, hàng hoá theo quy định;

Hỗ trợ ít nhất 50 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã trong việc tư vấn xây dựng, áp dụng, chứng nhận hệ thống quản lý tiên tiến, trong đó quan tâm đến việc áp dụng các hệ thống quản lý về an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp; công cụ cải tiến năng suất cơ bản; hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh,…; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp; áp dụng tiêu chuân, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh;

Hỗ trợ 3 đơn vị thực hiện tư vấn xây dựng, áp dụng, đánh giá chứng nhận, nâng cấp theo ISO/IEC 17025; ít nhất 5 lượt doanh nghiệp tham dự GTCLQG và có ít nhất 3 lượt doanh nghiệp được trao tặng GTCLQG. Tôn vinh, khen thưởng các doanh nghiệp được trao tặng GTCLQG; đào tạo ít nhất 20 chuyên gia năng suất chất lượng tại các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Thực hiện tính mức độ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2026 – 2030.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích