Sóc Trăng chủ động chuyển đổi để thích nghi với biến đổi khí hậu
Sóc Trăng chủ động chuyển đổi để thích nghi với biến đổi khí hậu
Theo dõi MTĐT trên
Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm, thực hiện lồng ghép các yếu tố biến đổi khí hậu (BĐKH) vào quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ với chủ trương chuyển đổi tư duy sản xuất hàng hóa đa dạng, quy mô lớn, hiện đại gắn với thị trường tiêu thụ nhằm phát triển kinh tế – xã hội đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Năm 2019, sau hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết, các bộ, ngành và địa phương đã đạt được một số kết quả tích cực trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, dự án cấp bách; từng bước tháo gỡ những điểm nghẽn về nguồn lực, tăng cường kết nối liên vùng về hạ tầng kinh tế; tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho toàn vùng. Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết vẫn còn chậm do các cấp, các ngành, địa phương theo phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm của mình còn thiếu chủ động trong nghiên cứu, huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục tác động tiêu cực của BĐKH, đáp ứng đòi hỏi phát triển bền vững kinh tế – xã hội của địa phương; quy định về điều phối, liên kết hợp tác nội vùng và liên vùng còn thiếu và chưa hiệu quả; quy hoạch tổng thể phát triển vùng chưa có; nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án hạ tầng trọng điểm cho vùng còn hạn chế; thiếu chính sách giải phóng các nguồn lực và huy động sự tham gia của doanh nghiệp, khối tư nhân cho đầu tư phát triển…
Trong khi đó, BĐKH ngày càng cực đoan, khó lường, tác động nhanh và mạnh hơn so với các dự báo trước đây, vì vậy, ngày 5/9/2019, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, trong đó tập trung chủ yếu vào các nội dung sau: Khẩn trương xây dựng, thể chế điều phối vùng, tạo cơ chế phát triển bền vững vùng ĐBSCL; đẩy mạnh vai trò liên kết vùng trong việc hoạch định các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Tăng cường nguồn lực, thu hút các nguồn vốn hợp pháp (gồm cả nguồn vốn xã hội hóa) trong đầu tư, đề xuất cơ chế tài chính phù hợp cho phát triển bền vững ĐBSCL; Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu dân cư và nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác điều phối các hoạt động hợp tác song phương, đa phương, đặc biệt là với các quốc gia thượng nguồn Mê Công, để thúc đẩy các nội dung hợp tác về phát triển bền vững, ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên nước; Thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời nhằm nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng về tác động của BĐKH, hình thành ý thức chủ động ứng phó với BĐKH; Đánh giá, phổ biến nhân rộng các mô hình hiệu quả, sáng kiến thích ứng với BĐKH; Huy động mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, phản biện và giám sát quá trình hoạch định và thực thi cơ chế, chính sách để phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.
Từ thực trạng trên, ngày 11/9/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã ký ban hành Công văn số 1921/UBND-KT về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 120/NQ-CP. Đến nay, địa phương cơ bản đã thực hiện hiệu quả Nghị quyết, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế có sự kết nối chặt chẽ với các vùng kinh tế trọng điểm khác của cả nước.
Đẩy mạnh hoạt động truyền thông
Hàng năm, các cơ quan chức năng đều xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị, tập huấn nhằm tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về BĐKH cho công chức các sở, ban, ngành cấp tỉnh; cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã và doanh nghiệp; tổ chức lễ phát động ra quân thu gom thải tại khu vực ven biển; thí điểm mô hình phân loại, thu gom rác thải nhựa đại dương tại một số địa phương ven biển… Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Báo Sóc Trăng, Đài Phát thanh – Truyền hình Sóc Trăng thực hiện định kỳ các chuyên mục, phóng sự về chính sách, pháp luật liên quan đến ứng phó với BĐKH.
Sở TN&MT cũng tham mưu cho tỉnh tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về BĐKH cho các ngành, các cấp và nhân dân trên địa bàn tỉnh thông qua việc tổ chức các hội thảo, tập huấn. Từ năm 2016 – 2021, tỉnh đã triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực môi trường, BĐKH cho hơn 1.000 công chức các sở/ban, ngành, cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã và doanh nghiệp; truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài); hàng năm tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày nước thế giới (22/3), Ngày khí tượng thế giới (23/3), Ngày môi trường thế giới (5/6), Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn… Đồng thời, tỉnh đã triển khai dự án truyền thông nâng cao nhận thức về BĐKH cũng như các tác động, nguy cơ của BĐKH ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương cho bộ máy quản lý các cấp, cộng đồng dân cư, học sinh các cấp trên địa bàn
Một số kết quả nổi bật
Từ năm 2016 đến nay, tỉnh luôn quan tâm, thực hiện lồng ghép các yếu tố BĐKH vào quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm và 5 năm của tỉnh, của các huyện, thị xã, thành phố, đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội theo hướng thích ứng với BĐKH. Bên cạnh đó, tỉnh còn thực hiện lồng ghép kết quả giám sát BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương thông qua việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật.
Vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, các chất làm suy giảm tầng ô-dôn; phát triển năng lượng tái tạo; sản xuất và tiêu thụ thân thiện với môi trường; thu hồi năng lượng từ chất thải của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cũng được địa phương quan tâm triển khai theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể là nhiệm vụ liên quan đến xây dựng, thực hiện các đề xuất giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tăng trưởng xanh trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, phát triển nông thôn, xây dựng, giao thông vận tải, BVMT, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên… Qua đó, hầu hết các nội dung trong chương trình, kế hoạch của địa phương về ứng phó với BĐKH đều có danh mục các chương trình, nhiệm vụ, dự án cụ thể, làm cơ sở để thu hút, huy động các nguồn lực tài chính thực hiện các nhiệm vụ BĐKH và tăng trưởng xanh. Tỉnh đã tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, người dân quan tâm sử dụng năng lượng sạch, đến nay có trên 1.024 đơn vị, tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời máy nhà với tổng công suất 89,4 MWp; đồng thời, thực hiện dự án lắp đặt thí điểm điện mặt trời áp mái tại trụ sở làm việc của 4 cơ quan nhà nước với tổng công suất là 60 KW. Thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các công nghệ giảm lượng phát thải khí nhà kính, hỗ trợ phát triển các ngành sản xuất theo công nghiệ sách, ít các bon.
Đối với công tác BVMT và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, tỉnh đã triển khai các dự án về xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đối với khu vực công ích theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (gồm Dự án đóng cửa Bãi rác phường 7, Thành phố Sóc Trăng và Dự án Cải tạo, xử lý ô nhiễm Bãi rác thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng). Đồng thời, triển khai 2 dự án: thành lập Khu bảo tồn loài – sinh cảnh rừng tràm Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú và thành lập Khu dự trữ thiên nhiên rừng ngập mặn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung; Lồng ghép thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái và cộng đồng, thông qua phát triển du lịch sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học; Thực hiện chặt chẽ công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư có ứng dụng công nghệ hiện đại thân thiện với môi trường và thực hiện tốt giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải…
Tỉnh cũng chú trọng chỉ đạo tăng cường công tác điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Trung ương giao, bao gồm: Đánh giá khí hậu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Xây dựng Sổ tay hướng dẫn lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào chương trình, kế hoạch các ngành tỉnh Sóc Trăng; tổ chức thực hiện Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 2021 – 2030 và Kế hoạch sử dụng đất 05 năm 2021 – 2025 tỉnh Sóc Trăng (trong đó, đề xuất các giải pháp duy trì hợp lý và bền vững quỹ đất cho nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, bảo tồn tài nguyên, thiên nhiên trong điều kiện BĐKH); tổ chức điều tra, đánh giá về thực trạng, tiềm năng, chất lượng, suy thoái, ô nhiễm đất làm cơ sở để tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; tăng cường công tác xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, môi trường, tài nguyên nước; tăng cường điều tra, nghiên cứu, đánh giá, dự báo, quan trắc chất lượng, lưu lượng nước trong khai thác và sử dụng tài nguyên nước.
Trong giai đoạn 2016 – 2021, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án về ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh từ nguồn vốn ngân sách Trung ương (phân bổ vốn ODA), nguồn vốn sự nghiệp, ngân sách địa phương và vốn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.. với tổng nguồn vốn bố trí thực hiện giai đoạn 2016 – 2021 là 738.594 triệu đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 652.823 triệu đồng (vốn ODA), vốn ngân sách địa phương và vốn khác: 85.771 triệu đồng. Cùng với đó là triển khai thực hiện hiệu quả 4 nhiệm vụ, dự án khác về BĐKH: Dự án tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về BĐKH cho bộ máy quản lý các cấp và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; Nhiệm vụ đánh giá khí hậu tỉnh Sóc Trăng; Nhiệm vụ xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nhiệm vụ xây dựng sổ tay hướng dẫn lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào chương trình, kế hoạch các ngành tỉnh Sóc Trăng (nguồn vốn sự nghiệp), với tổng kinh phí thực hiện là 2.887 triệu đồng, trong đó, kinh phí bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương 1.098 triệu đồng và ngân sách địa phương 1.789 triệu đồng…
Vấn đề hợp tác quốc tế trong lĩnh vực BĐKH có nhiều chuyển biến tích tích cực; góp phần tạo điều kiện thuận lợi (đặc biệt là nguồn lực tài chính) trong việc thực hiện các chương trình, dự án và khắc phục những ảnh hưởng, hậu quả do tác động của BĐKH, đảm bảo sinh kế cho người dân. Bên cạnh đó, việc các nhà tài trợ cam kết và tài trợ vốn kịp thời đã tạo nhiều thuận lợi cho các chương trình, dự án triển khai đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra; cụ thể như sau:
Khó khăn, thành thức và tồn tại, hạn chế
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP tại Sóc Trăng cũng gặp một số khó khăn, tồn tại nhất định: Thực hiện các chiến lược, chương trình, kế hoạch quốc gia về ứng phó với BĐKH, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện công tác ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh. Công tác ban hành văn bản luôn được quan tâm thực hiện kịp thời, đầy đủ, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế ở địa phương. Song, việc ban hành hành văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó với BĐKH của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân vẫn còn hạn chế, nguyên nhân do các chủ trương, chính sách về ứng phó với BĐKH hiện nay chưa quy định cụ thể. Ngoài ra, do chưa có hệ thống pháp luật quy định riêng về ứng phó với BĐKH nên các quy định pháp luật hiện hành về ứng phó BĐKH được lồng ghép vào Luật Khí tượng thủy văn, Luật BVMT.
Mặt khác, tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về BĐKH các cấp đã được tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong điều kiện tác động của BĐKH ngày càng nghiêm trọng (nhất là cấp cơ sở); cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn và BĐKH vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn nghiệp vụ. Hầu hết, cán bộ, công chức đều chưa được đạo tạo chuyên môn về khí tượng thủy văn và BĐKH. Nhận thức của xã hội, cộng đồng dân cư về ứng phó với BĐKH đã được nâng lên, nhưng tính chủ động để ứng phó của mỗi cá nhân, cộng đồng chưa cao, một bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan trong công tác ứng phó với BĐKH. Hoạt động ứng phó với BĐKH còn bị động, lúng túng, thiếu đồng bộ; năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai, giám sát BĐKH chưa đáp ứng yêu cầu.
Đối với việc lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương vẫn chưa có văn bản quy định hoặc hướng dẫn cụ thể. Hiện nay, chỉ có Thông tư số 05/2016/TT-BKHĐT ngày 6/6/2016 của Bộ Kế hoạch đầu tư nhưng hướng dẫn về lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào Quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế – xã hội nên mỗi địa phương có cách làm khác nhau, không đồng bộ. Nhu cầu nguồn lực đầu tư các chương trình, dự án về ứng phó với BĐKH là rất lớn, trong khi ngân sách tỉnh còn khó khăn (hàng năm tỉnh nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương khoảng 70%) nên hạ tầng công trình ứng phó với BĐKH của tỉnh còn rất yếu kém.
Phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới
Nhằm đẩy mạnh hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ; Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khoá XIII về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sóc Trăng sẽ tập trung thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được ban hành theo Quyết định số 1422/QĐ-UBND ngày 14/6/2021 của UBND tỉnh Sóc Trăng); Tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH theo quy định của Luật Khí tượng thủy văn, Luật BVMT; các chiến lược, chương trình, kế hoạch quóc gia về ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh. Song song đó, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương nhằm nâng cao tính chủ động, nhất là chủ động về xây dựng kế hoạch huy động, sử dụng nguồn vốn đầu tư các công trình phòng, chống và khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển và ứng phó với BĐKH; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí theo từng đối tượng thích hợp, với hình thức đa dạng, nội dung ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực chuyên môn cho cán bộ, công chức các cấp, nhất là cấp cơ sở để làm tốt trách nhiệm quản lý nhà nước về ứng phó với BĐKH.
Để đạt được mục tiêu đề ra, địa phương kiến nghị Trung ương tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về ứng phó với BĐKH (trong đó, quy định cụ thể các chính sách thúc đẩy giảm nhẹ khí nhà kính về phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường; bổ sung, điều chỉnh chính sách huy động, sử dụng nguồn lực về vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho phù hợp với bối cảnh BĐKH; rà soát, kiện toàn và điều chỉnh mô hình quản lý nhà nước về ứng phó với BĐKH từ Trung ương đến cấp xã; quy định chế tài xử lý vi phạm quy định về ứng phó với BĐKH). Đồng thời, đề nghị Bộ, ngành Trung ương tiếp tục đầu tư, hỗ trợ kinh phí để tỉnh thực hiện công trình, dự án về ứng BĐKH, tăng trưởng xanh, phòng, chống và khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển; tăng cường đầu tư ngân sách, ưu tiên triển khai các dự án, công trình trọng điểm về ứng phó BĐKH mang tính liên vùng; Có văn bản quy định hoặc hướng dẫn cụ thể việc lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị