Sở Y tế Hà Tĩnh ban hành kết luận về kiểm tra liên ngành ATTP trong dịp tết Giáp Thìn

Sở Y tế Hà Tĩnh ban hành kết luận về kiểm tra liên ngành ATTP trong dịp tết Giáp Thìn

Theo kết luận của Sở Y tế Hà Tĩnh, qua kiểm tra tại 119 cơ sở, có 112 cơ sở chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm (chiếm tỷ lệ 94,1%). Đoàn đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 7 cơ sở (chiếm 5,9%) với tổng số tiền phạt là 32 triệu đồng.

Sở Y tế Hà Tĩnh vừa ban hành Kết luận số 448/KL-SYT về kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Theo đó, từ ngày 12/1/2024 đến hết ngày 5/2/2024, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 của tỉnh đã tiến hành kiểm tra tại 13 huyện, thành phố, thị xã.

Đoàn đã kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Tập trung chủ yếu vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp tết Nguyên đán như: các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả…

tm-img-alt
 Đoàn đã kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và tập trung chủ yếu vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp tết Nguyên đán như: các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả…

Trong quá trình kiểm tra, đoàn đã kết hợp công tác tuyên truyền hướng dẫn cơ sở thực hiện tốt các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm. Lấy mẫu kiểm nghiệm để đánh giá chất lượng sản phẩm, khi thấy sản phẩm có nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Qua kiểm tra tại 119 cơ sở cho thấy, có 112 cơ sở chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm (chiếm tỷ lệ 94,1%). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 7 cơ sở (chiếm 5,9%) với tổng số tiền phạt là 32 triệu đồng. Các lỗi vi phạm được phát hiện chủ yếu như: nơi chế biến có côn trùng (ruồi) xâm nhập; vi phạm quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm với hành vi: kho bảo quản không đầy đủ kệ; người chế biến tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định; không thực hiện về chế độ kiểm thực 3 bước.

Kết luận kiểm tra cũng kiến nghị, đối với UBND cấp huyện, cần rà soát, cập nhật, quản lý thường xuyên các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn (bao gồm các lĩnh vực y tế, nông nghiệp và công thương).

Tăng cường công tác thông tin truyền thông, giáo dục về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức để thay đổi hành vi theo chiều hướng có lợi cho sức khỏe của người dân. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; giám sát chặt chẽ việc khắc phục tồn tại sau kiểm tra của cơ sở vi phạm. Chủ động xây dựng và phê duyệt kinh phí hoạt động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Giao Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp với UBND cấp huyện, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực ATTP để các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người dân biết, thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, lấy mẫu kiểm nghiệm định kỳ, đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn theo quy định pháp luật; kiến nghị xử lý kịp thời khi phát hiện sản phẩm thực phẩm có nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích