Sở Xây dựng tỉnh Ninh Bình: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong việc chuyển đổi số
(Xây dựng) – Trong những năm gần đây, Sở Xây dựng tỉnh Ninh Bình đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong việc phát triển chính quyền số, chuyển đổi số.
Tỉnh Ninh Bình nói chung và Sở Xây dựng nói riêng đã và đang áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp trong việc phát triển chính quyền số, chuyển đổi số. |
Ngày 20/4/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình ban hành Nghị quyết số 01 về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh Ninh Bình xác định việc thực hiện chuyển đổi số được tập trung đẩy mạnh trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Cả 3 trụ cột này đều hướng tới người dân, trong đó xây dựng chính quyền số là để phục vụ người dân tốt hơn, kinh tế số là để người dân có cuộc sống ấm no hơn và xã hội số để người dân hạnh phúc hơn.
Bám sát mục tiêu đó, ngày 27/12/2022, Sở Xây dựng tỉnh Ninh Bình có Kế hoạch số 3969/KH-SXD để triển khai đến tất cả các phòng, đơn vị trực thuộc Sở với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để đảm bảo đáp ứng cho việc xây dựng, phát triển chính quyền số, chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng và thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, tổng thể trên cơ sở kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu một cách an toàn, linh hoạt, ổn định, hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Hạnh – Chánh Văn phòng Sở Xây dựng Ninh Bình cho biết: Sở hiện có 2 đường truyền đang hoạt động: Mạng internet và mạng truyền số liệu chuyên dùng (MTSLCD); 100% công chức được cấp máy tính và các thiết bị phụ trợ để phục vụ công việc. Về chữ ký số chuyên dùng Sở được cấp 100% chứng thư số chuyên dùng cho cấp lãnh đạo từ Phó trưởng phòng trở lên, trong đó: Chứng thư số cho tổ chức có 1 chứng thư; Chứng thư số cho cá nhân là 25; Chữ ký số công cộng có 2 chứng thư số nhằm phục vụ công tác đấu thầu tại Sở Xây dựng và Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng Ninh Bình.
Chuyển đổi số được Ninh Bình tập trung đẩy mạnh trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. |
Đồng thời, trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC (Cổng Dịch vụ công tỉnh Ninh Bình), Sở Xây dựng đã triển khai thực hiện cập nhật đầy đủ danh mục, công khai quy trình giải quyết 56/56 TTHC của Sở lên hệ thống; Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành (VNPT iOffice) đã triển khai tại Sở từ ngày 17/06/2016, gồm có cơ quan Sở và 02 đơn vị trực thuộc Sở với tổng số tài khoản người dùng là 82, trong đó tỷ lệ tài khoản sử dụng thường xuyên đạt trên 85%. Trong 9 tháng đầu năm 2023, hệ thống ghi nhận có 10.805 lượt văn bản luân chuyển, trong đó văn bản đến là 8.029 lượt; văn bản đi là 2.776 lượt.
Ngoài ra, Sở Xây dựng tỉnh Ninh Bình đã áp dụng Hệ thống họp không giấy tờ (Ecabinet) và đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/2022, đến nay hệ thống đã triển khai đến 100% các phòng thuộc Sở, đơn vị trực thuộc Sở; cấp 50 tài khoản người dùng. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Sở đã triển khai thực hiện 28 cuộc họp trên hệ thống này.
Cùng với đó, trên Hệ thống thư điện tử công vụ, Sở cung cấp 100% cho công chức, viên chức tại Sở với tổng số 87 tài khoản (3 tài khoản tổ chức, 84 tài khoản cá nhân), được sử dụng để đăng nhập Hệ thống xác thực tập trung (SSO).
Đối với việc phát triển chính quyền số, Sở Xây dựng tỉnh Ninh Bình đã xây dựng Kế hoạch số 1653/KH-SXD ngày 31/5/2023 để thực hiện kế hoạch, trong đó có 2 mục tiêu cần thực hiện là: Cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử Sở (thường xuyên) và Thực hiện số hóa và GIS hóa các sản phẩm đồ án quy hoạch (kế hoạch đến năm 2025). Chỉ tính riêng trong năm 2022, Sở đã hoàn thành việc số hóa 2.985 kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng tiến độ được giao theo kế hoạch, bà Nguyễn Thị Hạnh cho biết thêm.
Nguồn: Báo xây dựng