Sở Xây dựng Hòa Bình: Tập trung mọi nguồn lực cho lộ trình nâng cấp các đô thị trên địa bàn tỉnh
(Xây dựng) – Năm 2022, ngành Xây dựng tỉnh Hòa Bình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên cả 2 lĩnh vực: Quản lý Nhà nước về lĩnh vực ngành Xây dựng và chỉ đạo hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở.
Cán bộ Sở Xây dựng Hòa Bình đi kiểm tra thực tế tại một dự án đầu tư xây dựng. |
Sở Xây dựng đã tập trung chỉ đạo và phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành có liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chế độ chính sách về xây dựng cơ bản, góp phần tích cực vào việc đẩy nhanh tốc độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, quy hoạch xây dựng vùng huyện và lộ trình nâng cấp các đô thị trên địa bàn tỉnh.
Sở tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu và thông tin quy hoạch theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035; phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; phê duyệt Đề cương, nhiệm vụ chương trình phát triển đô thị thị trấn Bo và vùng phụ cận, huyện Kim Bôi đến năm 2030; phê duyệt Đề cương, nhiệm vụ chương trình phát triển đô thị Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035…
Sở Xây dựng đã thẩm định 05 đồ án quy hoạch chi tiết (QHCT) 1/500; thẩm định 06 nhiệm vụ QHCT 1/500; thẩm định 33 dự án (thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi); thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ kỹ thuật thi công 19 công trình; thẩm định dự toán dịch vụ công ích đô thị 02 hồ sơ; đã thẩm định và trình UBND tỉnh đề nghị công nhận xã Phong Phú – huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đạt tiêu chí đô thị loại V. Kết quả nổi bật: Tỷ lệ đô thị hóa tỉnh Hòa Bình năm 2022 ước đạt 33,42% (vượt 1,42%), tỷ lệ dân số thành thị được sử dụng nước sạch năm 2022 ước đạt 92% (đạt 100%).
Năm 2023, với mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt 33,45% để từng bước hoàn thành kế hoạch phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình đến năm 2025 đạt tỷ lệ đô thị hóa 38%, Sở Xây dựng tiếp tục đôn đốc, phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 08/12/2021 về phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình đến năm 2025; Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Hòa Bình 05 năm giai đoạn 2021-2025; xác định nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể để triển khai thực hiện một cách đồng bộ nhằm đạt mục tiêu đã đề ra trong Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình.
Tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thành phố triển khai lập, thẩm định điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng các đô thị đã được điều chỉnh mở rộng theo Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện cấp xã tỉnh Hòa Bình làm cơ sở lập chương trình kế hoạch phát triển đô thị; Đồng thời rà soát đánh giá, điều chỉnh quy hoạch đô thị sau sắp xếp đơn vị hành chính; Phối hợp lập trình thẩm định, phê duyệt chương trình phát triển các đô thị trên địa bàn tỉnh; các đề án đề nghị nâng loại đô thị. Thẩm định nhiệm vụ, đồ án quy hoạch; thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở, báo cáo kinh tế kỹ thuật, TKBVTC dự án hạ tầng kỹ thuật và dự án giao thông trong đô thị theo chức năng nhiệm vụ của phòng được phân công.
Tại các đô thị trên địa bàn tỉnh sau sắp xếp đơn vị hành chính, để hoàn thành chỉ tiêu được giao về tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch, Sở phối hợp, đôn đốc UBND các huyện, thành phố rà soát các dự án cấp nước sạch đô thị và dự án cấp nước sạch nông thôn sau khi sáp nhập (các huyện phối hợp với Công ty Cổ phần Nước sạch Hòa Bình và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để đề xuất đầu tư bằng các nguồn vốn (từ ngân sách, thu hút đầu tư, xã hội hóa), nhằm đảm bảo đến năm 2025 đạt chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội đề ra.
Bên cạnh đó, Sở tiếp tục tổ chức thẩm định các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch theo chức năng nhiệm vụ được giao: Tổ chức lập các quy hoạch dọc 2 bên tuyến đường liên kết vùng Lương Sơn – Hòa Bình – Kim Bôi và dọc 2 bên tuyến đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu Sơn La; Phối hợp với các sở, ngành tham gia ý kiến về lĩnh vực quy hoạch kiến trúc thuộc ngành Xây dựng quản lý; Xem xét địa điểm, thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định nhu cầu sử dụng đất và điều kiện thuê đất các dự án; Tiếp tục phối hợp tham gia Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…
Nguồn: Báo xây dựng