So sánh 6 Sigma với ISO 9000, TQM
Các hệ thống quản lý chất lượng khác (TQM, ISO 9000…) thường cung cấp khuôn mẫu để đánh giá những nỗ lực quản lý chất lượng chung của tổ chức, với những hướng dẫn giải quyết vấn đề và ra quyết định – đòi hỏi có một quy trình cải tiến liên tục nhưng không chỉ ra quy trình đó như thế nào hoặc giúp cải tiến những nội dung cụ thể là gì. Thông thường nhiều hệ thống phải tốn nhiều thời gian để thử nghiệm những phương pháp mới, cũng có khi dẫn đến kết quả không như mong đợi, có thể trì trệ và dần dần không được thực hiện nữa.
Còn với 6 Sigma, phải đưa ra được chiến lược và hệ thống phương pháp cụ thể cho việc cải tiến chất lượng hiệu quả kinh doanh. 6 Sigma không cố quản lý vấn đề mà nó cố gắng loại bỏ vấn đề, tìm ra nguyên nhân gốc gây ra vấn đề và giải quyết nó. 6 Sigma không thể giải quyết mọi vấn đề ngay lập tức, nhưng nó có thể giải quyết tốt từng vấn đề ở một thời điểm dưới dạng một dự án. Do đó, 6 Sigma cần có những người chuyên biệt, tập trung vào hoàn thành dự án được giao. Họ nhận được sự giúp đỡ mà họ cần từ người phụ trách và từ những người hỗ trợ.
6 Sigma không thể giải quyết mọi vấn đề ngay lập tức, nhưng nó có thể giải quyết tốt từng vấn đề ở một thời điểm dưới dạng một dự án.
Cũng giống các hệ thống khác như ISO 9000 và TQM, 6 Sigma vẫn hướng tới cải tiến và chuẩn hóa các hoạt động của tổ chức, thế nhưng khi ISO 9000 nhắm tới việc chuẩn hóa quá trình để đạt được chất lượng thỏa mãn yêu cầu của khách hàng và đề cập tới yêu cầu phân tích dữ liệu, khắc phục, phòng ngừa một cách chung chung thì 6 Sigma mô tả một lộ trình cụ thể và các bước rõ ràng để giúp đạt tới sự tiêu chuẩn hóa và cải tiến.
ISO 9000, TQM có độ phủ rộng khắp tất cả hoạt động và có sự tham gia của tất cả mọi người một cách đồng thời, tập trung vào chất lượng là chủ yếu, còn 6 Sigma hướng tới lựa chọn các quá trình quan trọng tác động nhiều tới mục tiêu về chất lượng, tiến độ và giá thành, nên sau khi áp dụng vào các dự án cải tiến cụ thể, thường nhìn thấy kết quả rõ rệt.
Bên cạnh đó, khi thực hiện 6 Sigma, vấn đề đo lường, phân tích dữ liệu thường được đặc biệt chú trọng nên giúp nhận biết rõ ràng khu vực có vấn đề và vì vậy các nỗ lực được tập trung trong sự giới hạn về nguồn lực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã có ISO 9000, TQM và 5S thì thực hiện 6 Sigma sẽ thuận lợi hơn nhiều, vì qua các hệ thống này đã có nền tảng cơ bản về quản lý cả khía cạnh hệ thống quản lý, cơ sở hạ tầng cũng như văn hóa chất lượng. Nếu doanh nghiệp chưa có những điều kiện này thì khi áp dụng 6 Sigma, cần xây dựng điều kiện cơ bản như thiết lập chính sách và tiêu chuẩn hóa (tương tự ISO 9000, TQM), thiết lập môi trường làm việc có kỷ luật (như 5S).
Phương Nam