Sở Quy hoạch Hà Nội lên tiếng về thực trạng đường Lê Văn Lương
Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QH-KT) Hà Nội Nguyễn Trúc Anh vừa ký, ban hành báo cáo dài 14 trang gửi Thanh tra Bộ Xây dựng về việc thực hiện Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr.
Kết luận thanh tra chưa đầy đủ và toàn diện?
Qua quá trình rà soát, Sở này thấy có nhiều nội dung tại Kết luận số 39 “chưa hợp lý, chưa phù hợp”, cần kiến nghị để trao đổi thêm với Thanh tra Bộ Xây dựng nhằm làm rõ và thống nhất làm cơ sở triển khai tiếp việc thực hiện các nội dung đã nêu tại kết luận thanh tra.
Cụ thể, tại kết luận này, Thanh tra Bộ Xây dựng đã kết luận về việc thực hiện quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương – Tố Hữu – Thanh Bình, tuy nhiên các nội dung kết luận chưa nêu định hướng quy hoạch cũng như quy hoạch chi tiết trục đường tại các quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Kết luận cũng chưa nêu được Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 27/6/201. Điều này khiến Sở QH-KT cho rằng, kết luận số 39 chưa đầy đủ và toàn diện, chưa phù hợp quy định về pháp luật cũng như yêu cầu phát triển kinh tế của Thủ đô qua các thời kỳ.
“Việc này dẫn đến việc một số phương tiện thông tin đại chúng có những nhận xét chưa chính xác về việc tổ chức lập và thực hiện quy hoạch các tuyến đường Lê Văn Lương – Tố Hữu – Thanh Bình” – văn bản nêu rõ.
Trong văn bản, Sở QH-KT viện dẫn nhiều cơ sở pháp lý để khẳng định, qua các thời kỳ từ năm 2002 đến nay, trục Lê Văn Lương (trước hợp nhất) và Lê Văn Lương kéo dài (sau hợp nhất) luôn được xác định là xây dựng trục cao tầng.
Để triển khai chỉnh trang các tuyến phố hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và để phù hợp với định hướng mới sau khi hợp nhất Hà Nội với tỉnh Hà Tây, UBND TP đã báo cáo và được Bộ Xây dựng thống nhất điều chỉnh chiều cao theo hướng nâng thêm tầng cao các công trình tại đây. Nội dung định hướng cao tầng này cũng đã được cập nhật và xác định rõ tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg.
Sở này khẳng định, các Quy hoạch chi tiết, Quy hoạch chung các quận huyện, Quy hoạch phân khu do UBND TP Hà Nội phê duyệt là bước cụ thể hóa và tuân thủ định hướng của Quy hoạch chung và đều có ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng trước khi phê duyệt.
“Việc thực hiện điều chỉnh cục bộ các quy hoạch này, các quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng các dự án UBND TP đã làm cũng đảm bảo nguyên tắc này, không phá vỡ định hướng Quy hoạch chung Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trường hợp nếu điều chỉnh khác thì phải báo cáo Bộ Xây dựng trình Thủ tướng xem xét, cho phép” – văn bản khẳng định.
Thanh tra Bộ Xây dựng chưa áp dụng đúng quy định của luật?
Vì vậy, theo định hướng tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch phân khu, việc UBND TP phê duyệt Quy hoạch chi tiết trục đường Lê Văn Lương và trục Tố Hữu năm 2016 cũng như giải quyết điều chỉnh cục bộ quy hoạch các dự án trong đồ án Quy hoạch chi tiết trục đường theo hướng tập trung cao tầng tại đây phù hợp với chủ trương về phát triển kinh tế xã hội Thủ đô.
Việc này dựa trên các quy định pháp lý về quy hoạch qua các thời kỳ (Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998); ý kiến Bộ Xây dựng đã thỏa thuận và đặc biệt là định hướng tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (Các điều chỉnh tại các dự án chỉ mang tính chất cục bộ không làm thay đổi các định hướng tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011).
Sở QH-KT cũng khẳng định, việc điều chỉnh quy hoạch tại khu vực tuyến Lê Văn Lương – Tố Hữu – Nguyễn Thanh Bình là đảm bảo phù hợp. Do vậy, việc Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc không thuộc trường hợp điều chỉnh là chưa áp dụng đúng quy định Luật Xây dựng 2003, Luật Quy hoạch đô thị 2009, các quy định liên quan khác, chưa tính đến các đặc thù yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô trong giai đoạn này.
Về kết luận việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, Sở QH-KT nêu quan điểm cần trao đổi thống nhất lại do chưa phù hợp quy định của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị. Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận khi lập quy hoạch các trục đường không cân đối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội dẫn đến thiếu đất xây dựng trường học, nhà trẻ, cây xanh, sân tập luyện, chợ là chưa phù hợp với quy định Luật Quy hoạch đô thị và các quy định hiện hành.
Ngoài ra, các kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng về việc không tính toán giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hoặc việc điều chỉnh quy hoạch khi chưa tính toán hạ tầng kỹ thuật tại một số dự án; quy hoạch tổng mặt bằng là quy hoạch chi tiết để xác định các sai phạm (công bố công khai, tính toán hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, xác định chỉ giới xây dựng, xác định các chỉ tiêu cây xanh…) hoặc yêu cầu phải cập nhật nguyên chỉ tiêu các dự án vào quy hoạch phân khu… cũng cần được xem lại cho phù hợp bởi không có cơ sở pháp lý.
Trước một số nội dung còn thiếu sót, cần rút kinh nghiệm mà Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra như chậm công bố công khai quy hoạch; việc ghi số tầng cao tại quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng chưa thống nhất với quy định tại Quy chuẩn Việt Nam 03:2009/BXD; chưa thể hiện rõ diện tích cây xanh trên bản vẽ Tổng mặt bằng; việc giải trình về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa thống nhất qua các hồ sơ… Sở QH-KT đưa ra các lý giải và cho biết sẽ kiểm điểm rút kinh nghiệm và khắc phục.