Số phận những “nhà quan tài” ở Hồng Kông sẽ ra sao?
Số phận những “nhà quan tài” ở Hồng Kông sẽ ra sao?
Ở thành phố đắt đỏ nhất thế giới, nơi tự hào với những ngôi nhà chọc trời cao chót vót, vẫn còn hơn một nửa dân số phải sống chui rúc trong những ngôi nhà nhỏ được gọi là nhà quan tài.
Ngột ngạt trong những ngôi nhà chỉ đủ để ngồi
Chúng ta đều biết Dharavi là một trong những khu ổ chuột lớn nhất châu Á nằm ở trung tâm tài chính Ấn Độ – Mumbai. Dharavi có diện tích chỉ hơn 2,1 km2 nhưng có khoảng 1 triệu người sinh sống. Đây là một trong những khu dân cư đông đúc nhất thế giới.
Tất cả chúng ta đều biết cuộc sống của người dân ở khu ổ chuột này khó khăn đến mức nào, nhưng so với những ngôi nhà quan tài ở Hồng Kông thì Dharavi vẫn còn là thiên đường.
Hãy tưởng tượng nếu bạn sống trong một ngôi nhà chỉ rộng khoảng 17 m2, phản ứng đầu tiên của bạn là gì? Sợ hãi và nghẹt thở. Nhưng hàng nghìn người Hồng Kông đã phải sống như vậy trong nhiều năm.
Đúng như tên gọi của nó, không gian chật chội trong những ngôi nhà này khiến cho những người sống trong đó cảm giác như đang bị chôn sống. Hồng Kông cho đến nay vẫn là thị trường nhà ở đắt đỏ nhất thế giới. Điều đó khiến cho những người thuộc thành phần nghèo khó trong xã hội buộc phải thích nghi với sự thay đổi đột ngột trong lối sống của họ. Và những ngôi nhà quan tài đã ra đời như thế.
Những người sống ở đây chủ yếu là người về hưu không có lương, những lao động nghèo có thu nhập dưới 4.000 HKD/tháng (khoảng 11,6 triệu đồng).
Thông thường những ngôi nhà kiểu này là những căn hộ được chia nhỏ trái phép với khoảng 15 chủ sở hữu. Trong mỗi nhà quan tài này, bên cạnh chiếc giường ra thì những đồ vật khác được sắp xếp chồng chất lên nhau. Và ở một khía cạnh nào đó, những ngôi nhà này không khác gì những chiếc giường tầng trên tàu hỏa, thậm chí còn chật chội và khó chịu hơn. Những người sống ở đây đều phải sử dụng chung nhà tắm và nhà bếp, hầu hết đều trong điều kiện không hợp vệ sinh. Nhưng để thuê một chỗ ở như vậy, họ phải trả gần 2.400 HKD (khoảng 7 triệu đồng).
Sống trong một không gian tù túng như vậy khiến cho tinh thần của nhiều người bị tổn hại vì không gian chỉ đủ để ngồi dậy. Do không gian chật chội và không có không khí trong lành nên ngôi nhà luôn nồng nặc mùi ẩm mốc. Nhưng người sống ở đây luôn bị quấy nhiễu bởi tiếng ồn suốt cả ngày và đêm. Và khi không có ánh sáng tự nhiên tràn vào, họ không biết được là ngày hay đêm trừ phi xem đồng hồ.
Để thoát khỏi sự gò bó của những ngôi nhà quan tài này, ông Simon Wong hiện đang sống trong một căn nhà rộng 2 m2, đã dành ngày để vào công viên chơi mạt chược với bạn bè. Ông chỉ về nhà vào ban đêm để ngủ.
Nhưng khi đại dịch xảy ra, ông Wong đã bị mắc kẹt trong nhà, ông phải leo lên một cái thang để vào nhà chỉ đủ để chứa một cái đệm. “Tôi không được đi ra ngoài nữa, không còn được tụ tập nữa. Sau khi uống trà và mua đồ tạp hóa, tôi trở về nhà và chỉ xem tivi. Tôi không thể làm gì được”, người đàn ông 64 tuổi nói.
Những ngôi nhà quan tài được hình thành từ cuối những năm 1950 và chủ yếu do những người di cư đến từ Trung Quốc ở. Ban đầu chúng chỉ là những chiếc giường tầng bằng sắt, sau đó người ta ngăn xung quanh giường lại thành nhà và những ngôi nhà kiểu này đến nay vẫn tồn tại gọi là nhà lồng.
Hồng Kông lên kế hoạch xây 1 triệu đơn vị nhà ở
Tháng trước, Đặc khu trưởng Hồng Kông bà Carrie Lam đã công bố kế hoạch giải quyết tình trạng thiếu nhà ở của thành phố bằng cách xây một khu đô thị mới ở sát Thâm Quyến.
Kế hoạch xây dựng thành phố mới này cuối cùng được mở rộng hơn 300 km2 với gần 1 triệu ngôi nhà cho khoảng 2,5 triệu người Hồng Kông, chiếm khoảng 1/3 dân số Hồng Kông.
Bà Lam cho biết: “Khu đô thị mới sẽ là khu vực quan trọng nhất ở Hồng Kông, tạo điều kiện cho sự phát triển của chúng tôi hội nhập với Thâm Quyến và Vịnh lớn”.
Bà tin tưởng rằng Hồng Kông sẽ đáp ứng được tình trạng thiếu đất trong trung và dài hạn bằng các chính sách bao gồm cải tạo đất. Khu vực này đang có ý định chi tới 80 tỷ USD cho việc cải tạo 1.700 ha đất.
Theo bà, hàng triệu đơn vị nhà ở sẽ được bổ sung vào thị trường trong 20-25 năm tới, làm tăng nguồn cung hiện tại lên khoảng 1/3.
Động thái này có khả năng được Bắc Kinh hậu thuẫn, bởi tình trạng bất ổn gần đây ở thành phố là do căng thẳng về nhà ở. Tờ Hong Kong Free Press cho biết, ông Luo Huining – Trưởng văn phòng liên lạc Bắc Kinh tại Hồng Kông – gần đây đã tới thăm những người dân sống trong các căn hộ chia nhỏ, nhà quan tài và nhà lồng. Trong một thông cáo, văn phòng của ông Luo cho biết, “trái tim ông ấy đã chùng xuống” khi chứng kiến điều kiện sống chật chội của người dân nơi đây. Bất động sản đã trở thành vấn đề sinh kế chính của người dân nơi đây khi mà hầu hết người dân không thể mua được nhà thương mại và đã xếp hàng chờ mua nhà công hơn 5 năm rưỡi.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị