Số lượng doanh nghiệp du lịch tăng nhanh

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong thời kỳ dịch bệnh, hoạt động du lịch hầu như ngưng trệ, đặc biệt là du lịch quốc tế. Có nhiều thời điểm số lượng doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, dừng hoạt động lên đến 90%. Nhiều lao động trong ngành du lịch bị mất việc làm, chuyển sang các lĩnh vực khác.

Trong bối cảnh đó, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động trong ngành bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Tổng cục Du lịch nay là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách hỗ trợ.

Trong đó, đáng chú ý, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2021/NĐ-CP ngày 28/10/2021 giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành cho doanh nghiệp trong thời gian từ ngày 28/10/2021 đến hết ngày 31/12/2023. Bộ Tài chính ban hành Thông tư 120/2021/TT-BTC quy định giảm 50% mức phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch kể từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 30/6/2022.

Sau đó ngành du lịch tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính cho phép kéo dài thời gian ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đến hết ngày 31/12/2023 theo Thông tư số 44/2023/TT-BTC ngày 29/6/2023. Bên cạnh đó là các chính sách về giảm giá điện, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ trực tiếp cho hướng dẫn viên du lịch, hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động…

Bộ Tài chính thông tin về áp dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

Số lượng doanh nghiệp du lịch tăng nhanh.

Sau khi mở cửa trở lại từ 15/3/2022, ngành du lịch Việt Nam đã từng bước phục hồi nhanh chóng. Năm 2022, Việt Nam đón gần 3,7 triệu khách quốc tế và phục vụ 101,3 triệu lượt khách du lịch nội địa – vượt xa con số 85 triệu lượt năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng.

Bước sang năm 2023 ngành du lịch đã đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế, cao gấp 3,4 lần so với năm 2022, vượt 57% so với mục tiêu ban đầu (8 triệu lượt); phục vụ 108 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 678 nghìn tỷ đồng. Tiếp đà phục hồi, hai tháng đầu năm 2024, lượng khách quốc tế đã đạt hơn 3 triệu lượt, tương đương với năm 2019.

Hoạt động du lịch tại các địa phương diễn ra khởi sắc, sôi động với nhiều sự kiện du lịch nổi bật, có sức lan tỏa cao. Nhiều địa phương ghi nhận lượng khách tăng vượt bậc so với năm trước.

Cùng với sự sôi động của hoạt động du lịch, các doanh nghiệp lữ hành quay trở lại thị trường và đăng ký mới tăng mạnh, số lượng hướng dẫn viên gia nhập thị trường lao động tăng thêm, cũng như có nhiều cơ sở lưu trú du lịch cao cấp mới được đưa vào hoạt động.

Trong năm 2023, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã thẩm định 1.400 hồ sơ cấp mới, cấp đổi và rút giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế cho doanh nghiệp, tăng 309 hồ sơ so với năm 2022. Trong đó cấp mới 1.001 giấy phép, cấp đổi 309 giấy phép, cấp lại 05 giấy phép và thu hồi 85 giấy phép. Tính đến hết năm 2023, cả nước có 4.069 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, tăng thêm 1.402 doanh nghiệp so với năm 2019. Trong tổng số 4.069 doanh nghiệp có 1.276 doanh nghiệp cổ phần, 38 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 2.749 công ty TNHH và 06 doanh nghiệp tư nhân.

Về hướng dẫn viên du lịch, năm 2023 Sở VHTTDL/Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã cấp 6.069 thẻ hướng dẫn viên, trong đó cấp mới 2.211 thẻ, cấp đổi 3.821 thẻ và cấp lại 37 thẻ hướng dẫn viên du lịch. Tính đến hết năm 2023, cả nước có 37.397 hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ (tăng 3.709 hướng dẫn viên so với năm 2022), trong đó có 21.642 hướng dẫn viên quốc tế, 13.881 hướng dẫn viên nội địa và 1.874 hướng dẫn viên tại điểm.

Về cơ sở lưu trú du lịch, trong năm 2023, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã ban hành 164 quyết định công nhận xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn từ 4-5 sao, tăng 97 cơ sở so với năm 2022, trong đó thẩm định mới cho 54 cơ sở và thẩm định lại 110 cơ sở. Tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 38.000 cơ sở lưu trú du lịch với 780.000 buồng, tăng 8.000 cơ sở và 130.000 buồng so với năm 2019.

Với sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú và hướng dẫn viên du lịch là tín hiệu đáng mừng, cho thấy hiệu quả của những chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong giai đoạn vừa qua cũng như triển vọng tích cực của thị trường du lịch Việt Nam. Sự phục hồi của những lực lượng quan trọng nhất của ngành du lịch sẽ là nền tảng vững vàng để du lịch Việt Nam tăng tốc phát triển trong thời gian tới.

Nam Dương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích