Số lượng cá mập sụt giảm do tình trạng đánh bắt lấy vây quá mức
Số lượng cá mập sụt giảm do tình trạng đánh bắt lấy vây quá mức
Từ năm 2012 đến năm 2019, số lượng cá mập bị đánh bắt tăng từ 76 triệu con mỗi năm lên 80 triệu con, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tuyệt chủng của loài cá có ý nghĩa sống còn với hệ sinh thái biển.
Trong những năm gần đây, các chính phủ trên thế giới đã nỗ lực nhằm cứu cá mập – loài săn mồi hàng đầu đại dương có nguy cơ biến mất vĩnh viễn do tình trạng đánh bắt quá mức.
Nhưng một nghiên cứu mới đã đưa ra kết luận đáng lo ngại: Nhiều nỗ lực trong số đó không đủ để ngăn tình trạng cá mập bị đánh bắt gia tăng.
Từ năm 2012 đến năm 2019, số lượng cá mập bị đánh bắt đã tăng từ 76 triệu con mỗi năm lên 80 triệu con ngay cả khi các quy định được đưa ra. Số liệu này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tuyệt chủng loài cá có ý nghĩa sống còn đối với sức khỏe của hệ sinh thái biển.
Darcy Bradley, nhà khoa học đại dương tại tổ chức phi lợi nhuận Bảo tồn Thiên nhiên, đồng tác giả của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science, cho biết: “Cá mập là loài chỉ báo sẽ cho chúng ta biết nếu có vấn đề bất thường xảy ra với hệ sinh thái.”
Theo các nhà nghiên cứu, tin tốt là họ phát hiện một số quy định có tác dụng bảo vệ cá mập. Nhưng thời gian để thực hiện các nỗ lực này không còn nhiều vì 1/3 tổng số cá mập, cá đuối và các loài liên quan đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Vấn đề khai thác vây cá mập
Trong nhiều năm, các tàu đánh cá chỉ tập trung thu hoạch phần vây cá mập – và kết quả thật khủng khiếp.
Sau khi kéo một con cá mập lên tàu, nhiều ngư dân sẽ chặt vây và vứt phần xác còn lại xuống biển. Phần vây đó có giá cao vì chúng là thành phần chính trong món ngon châu Á có tên là súp vây cá mập.
Kể từ năm 2022, hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ hải ngoại đã đưa ra các hạn chế về việc chặt bỏ vây cá mập, yêu cầu ngư dân phải đưa toàn bộ cá vào bờ.
Nhưng để xem những quy định đó có hiệu quả như thế nào trong việc giảm tỷ lệ cá mập tử vong, Bradley, Worm và các đồng nghiệp đã kiểm tra sản lượng đánh bắt cá mập trong khoảng thời gian 8 năm khi nhiều quy định xử phạt được đưa ra, theo dõi số phận của khoảng 1,1 tỷ con cá mập bị đánh bắt trên toàn cầu.
Trong thời kỳ này, tỷ lệ đánh bắt cá mập tăng ở khu vực gần bờ nhưng lại giảm ở vùng biển khơi. Nhìn chung, nhóm nghiên cứu nhận thấy chỉ hạn chế việc cắt vây không có hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ cá mập tử vong.
Trên thực tế, các quy định đôi khi còn góp phần làm gia tăng số lượng đánh bắt cá mập chết khi khuyến khích ngư dân mang cả con cá mập còn nguyên vẹn vào bờ và bán thịt, sụn cùng với vây.
Catherine Macdonald, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu và Bảo tồn Cá mập tại Đại học Miami, cho biết việc cấm hoặc siết chặt quy định về lấy vây cá mập ở một số nơi sẽ không nhất thiết dẫn đến sự sụt giảm trên diện rộng số lượng đánh bắt cá mập.
Theo nhóm nghiên cứu, trong số những điểm nóng về đánh bắt cá mập trên thế giới gồm Indonesia, Brazil, Mexico, Malaysia, Mauritania và Somalia. Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ cá mập trên toàn cầu đang khiến số lượng loài cá này ngày càng giảm sút.
Quả thực, thịt cá mập đang xuất hiện trong thực đơn mà thực khách không hề hay biết. Các nhà nghiên cứu trước đây đã tìm thấy thịt cá nhám gai, một loài cá mập bị đe dọa, trong khoảng 90% mẫu từ các cửa hàng bán cá và khoai tây chiên mang đi ở miền nam nước Anh.
Hiệu quả từ các lệnh cấm đánh bắt cá mập
Mặc dù không hoàn hảo, các lệnh cấm đánh bắt cá mập tại những vùng biển sâu là những quy định tốt nhất mà nhóm đánh giá, giúp giảm tỷ lệ tử vong gần 40% so với những khu vực không có lệnh cấm đánh bắt cá mập.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chính phủ càng có trách nhiệm, càng ít cá mập chết do đánh bắt cá trong vùng biển của họ.
Theo các nhà nghiên cứu, trong số những nơi bảo vệ bằng khu bảo tồn cá mập là Maldives và Bahamas, nơi vùng nước chứa đầy cá mập đang thúc đẩy ngành du lịch lặn phát triển.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị