Sở hữu ‘mặt tiền hướng biển’, thu nhập người dân vẫn chỉ 57 triệu/năm

Thu nhập trung bình của người dân các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận chưa đến 57 triệu đồng/năm, đó là con số thấp so với các vùng khác.

Thu nhập gần 57 triệu đồng/năm là thấp

Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ là một trong 6 vùng kinh tế – xã hội của cả nước; gồm có 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận.

“Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước với thềm lục địa rộng lớn, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…”.

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW nhấn mạnh tại hội thảo “Phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tổ chức ngày 12/9.

so huu mat tien huong bien thu nhap nguoi dan van chi 57 trieunam
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung Bộ tăng trưởng đạt 7,3%/năm trong giai đoạn 2005-2020, cao hơn trung bình cả nước; quy mô kinh tế vùng được mở rộng, đạt 1,15 triệu tỷ đồng vào năm 2020, chiếm 14,53% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 56,91 triệu đồng/người/năm.

Ông Trần Tuấn Anh đánh giá: Mặc dù chiếm trên chiếm 28% diện tích tự nhiên và chiếm 20,8% dân số cả nước nhưng quy mô kinh tế của vùng có tỷ trọng nhỏ, chiếm 14,53% GDP cả nước; GRDP/người của vùng thấp, chỉ bằng bằng 0,69 lần bình quân của cả nước. Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn FDI…

Trước thực trạng như vậy, nhất là trong bối cảnh tình hình mới, Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với các Bộ ngành và các địa phương triển khai Đề án “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW, ngày 02/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW”.

Đánh giá về tình hình DN vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, cho rằng: Thu nhập bình quân lao động tại DN trong vùng thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước. Thu nhập bình quân/lao động tại Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Trị, Phú Yên thấp hơn bình quân vùng Tây Nguyên. Trừ Đà Nẵng và Quảng Ngãi, thu nhập bình quân/lao động trong DN tại các tỉnh còn lại thấp hơn bình quân khu vực ĐBSCL.

Đây cũng là vùng có số lượng DN ít. Mật độ DN trên 1.000 dân thấp, tốc độ tăng số lượng DN thấp. Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Đình Cung, năng lực cạnh tranh các địa phương trong vùng (trừ Đà Nẵng) luôn xếp loại “trung bình thấp”, thậm chí rất thấp trong cả nước, lại không ổn định. Môi trường kinh doanh như thế chưa đủ ấn tượng taọ sự quan tâm của nhà đầu tư bên ngoài, chưa tạo thuận lợi và tin cậy đối với người dân và doanh nghiệp địa phương.

“Tóm lại, rất nhiều việc phải làm để tăng số lượng, cải thiện chất lượng doanh nghiệp trong vùng, để doanh nghiệp tư nhân trở thành động lực quan trong đối với tăng trưởng kinh tế toàn vùng”, ông Cung nhận xét.

Một trong những giải pháp được TS. Nguyễn Đình Cung đề cập là phải cải thiện mạnh mẽ, nhất quán môi trường kinh doanh. Chủ tịch tỉnh phải thường xuyên quan tâm, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của cá nhân và lãnh đạo tỉnh, liên tục theo dõi, đánh giá và chỉ đạo thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, chỉ đạo xử lý các vấn đề, tháo bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

so huu mat tien huong bien thu nhap nguoi dan van chi 57 trieunam
Vùng ven biển miền Trung có đường bờ biển dài khoảng 1.995 km, có lợi thế về kinh tế biển. Ảnh: Quang Ngọc.

Lợi thế từ “mặt tiền hướng biển”

Vùng ven biển miền Trung có đường bờ biển dài khoảng 1.995 km (không tính bờ các đảo), trong đó khu vực Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế) có 720 km đường bờ biển và Nam Trung Bộ – 1.275 km.

Nhìn từ đặc điểm này, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, cho rằng: Trong quá khứ, người miền Trung có 3 góc nhìn: “ngó lên”, “ngó ra”, rồi “ngó vô”, nhưng với lợi thế về biển, người dân nơi đây đặc biệt chú trọng đến một góc nhìn về phía “ngó ra” – hướng biển, tiến biển, dựa vào biển.

Gần đây, chúng ta đang chứng kiến một miền Trung đã thực sự bứt phá từ biển, tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Rõ ràng, tiềm năng biển đảo miền Trung đã, đang và sẽ được đánh thức. Chính quyền và nhân dân 14 tỉnh miền Trung đang nhìn ra biển bằng chính sự quyết tâm đã có từ trong tâm thức và từ truyền thống “chống chọi, chinh phục” biển để phát triển kinh tế biển và bảo đảm vững chắc an ninh, chủ quyền biển đảo quốc gia.

Theo vị chuyên gia này, vùng ven biển miền Trung có vị trí rất quan trọng, là “cửa mở” thông thương ra biển và có thể hỗ trợ cho hội nhập kinh tế nội khối ASEAN thông qua hành lang kinh tế Đông-Tây. Các vũng vịnh ven bờ ở đây có độ sâu lớn, rất ít sa bồi, lại gần tuyến hàng hải quốc tế nên thuận lợi cho xây dựng thành các cảng biển nước sâu tiềm năng ở nước ta, tạo tiền đề phát triển các khu kinh tế biển và hệ thống đô thị biển theo mô hình: cảng nước sâu – khu kinh tế – đô thị – biển, như các khu: Nghi Sơn, Vũng Áng, Cửa Việt, Chân Mây, Vịnh Hàn, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Vân Phong, Cam Ranh,..v.v.

Nói cách khác, miền Trung có lợi thế “mặt tiền” hướng biển với vùng ven biển đóng vai trò động lực rất quan trọng trong phát triển kinh tế biển, trong liên kết bờ và biển đảo, trong gắn với an ninh, quốc phòng nội vùng và cả nước…

Nếu phát huy lợi thế, khắc phục yếu thế, thay đổi tư duy và tầm nhìn, đổi mới cơ chế chính sách, TS Nguyễn Chu Hồi tin tưởng khu vực này chắc chắn sẽ chuyển yếu thế thành lợi thế và biến lợi thế thành lợi ích, đem lại cho các tỉnh miền Trung – “trang trang cồn cát” với cái đói nghèo đeo đẳng và chịu nhiều hậu quả của chiến tranh xưa kia, một diện mạo mới trong phát triển kinh tế vùng nói chung và kinh tế biển nói riêng theo hướng hiệu quả và bền vững.a

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích