Số hóa hệ thống thông tin khu chạm khắc đá cổ Sa Pa

Số hóa hệ thống thông tin khu chạm khắc đá cổ Sa Pa

Các hình ảnh và số liệu thu thập được sẽ được sử dụng để xây dựng cơ sở dữ liệu và số hóa hệ thống thông tin khu chạm khắc đá cổ Sa Pa.

Từ ngày 31/10 – 2/11, đoàn công tác của Bảo tàng tỉnh (Sở Văn hóa và Thể thao Lào Cai) phối hợp Sở Du lịch Viện Viễn Đông Bác cổ (Pháp) tại Hà Nội tổ chức chuyến khảo sát khu chạm khắc đá cổ Sa Pa.

tm-img-alt
Khu chạm khắc đá cổ Sa Pa trải dài trên chiều dài hơn 4 km, rộng 2 km với ít nhất 159 hòn đá, chứa nhiều hình họa bí ẩn

Trong 3 ngày, đoàn công tác đã tiến hành rà soát, đo đạc, định vị, chụp ảnh, quay flycam không gian tổng thể các hình khắc cổ trên bãi đá nhằm so sánh, đánh giá tác động của môi trường trong thời gian qua đối với khu chạm khắc đá cổ Sa Pa.

Các hình ảnh và số liệu thu thập được sẽ được sử dụng để xây dựng cơ sở dữ liệu và số hóa hệ thống thông tin khu chạm khắc đá cổ Sa Pa. Theo kế hoạch, trong vòng 10 ngày làm việc sau khi kết thúc hoạt động, đoàn sẽ có báo cáo kết quả với UBND tỉnh và Sở Ngoại vụ theo quy định.

Bãi đá cổ Sa Pa được coi là một trong những di sản thiên nhiên quý giá còn sót lại, không chỉ chuyển tải vẻ đẹp nguyên sơ của một vùng đất mà còn thu hút khách du lịch. Bãi đá cổ Sa Pa được nhà khảo cổ người Pháp gốc Nga Victor Goloubev của trường Viễn Đông Bác Cổ phát hiện vào năm 1925. Bãi đá trải rộng 8 km² với gần 200 khối đá là một di chứng về sự xuất hiện của con người ở đây từ xa xưa.

Ở đây xuất hiện những hoa văn kỳ lạ trên đá với nhiều hình dạng: bậc thang, hình người, con đường, chữ viết… có những rãnh tròn khá giống biểu tượng mặt trời, có hình nam nữ giao phối – biểu tượng sự sinh sôi, và rất nhiều những vạch kẻ lạ mắt. Tuy nhiên việc xác định nó xuất hiện khi nào và trải qua những bổ sung nào, giải mã ý nghĩa biểu tượng, thì chưa có kết quả thống nhất và mới chỉ dừng lại ở giả thiết.

Những khảo cứu trực tiếp ý kiến của dân cư địa phương, là người H’Mông ở bản Phố xã Hầu Thào thì cho rằng đây là “quyển sách” lớn nhất của tổ tiên để lại. Một số nhà khoa học khác thì giả thiết đó là hình bản đồ cổ của người H’Mông hoặc gần như là cuốn sách cổ giới thiệu về những trận đánh ngày xưa,…

Bãi đá cổ đang có nguy cơ bị biến dạng do thời gian và con người xâm hại. Một số họa tiết bị mờ vì mưa nắng bào mòn. Một số bị biến dạng do sự thiếu ý thức của người tham quan, trèo lên đá hoặc khắc những hình khắc mới.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích