Sở GTVT TP.HCM đề xuất ba phương án làm đường Vành đai 4
Sở GTVT TP.HCM đề xuất ba phương án làm đường Vành đai 4
Sở Giao thông Vận tải thành phố đề xuất nghiên cứu ba phương án làm đường Vành đai 4, đoạn qua TP HCM để tìm hướng phù hợp, giảm chi phí đầu tư.
Sở Giao thông vận tải TP. HCM vừa báo cáo UBND TP. HCM về các phương án đầu tư đường vành đai 4 TP. HCM đoạn cầu qua sông Sài Gòn – kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn) theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Các phương án được GTVT TP.HCM kiến nghị gồm:
Phương án 1: Hướng tuyến cơ bản trùng với quy hoạch đường vành đai 4 TP.HCM. Chiều dài tuyến 17,35 km, diện tích GPMB 154,49 ha, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 17.791 tỷ đồng. Về hiện trạng, khoảng 50% đoạn tuyến đi trùng đường hiện hữu. Diện tích cần GPMB ít nhất nhưng số hộ di dời nhiều, chi phí GPMB cao nhất so với các phương án khác.
Phương án 2: Nắn chỉnh đoạn 9,7 km đầu về phía Nam từ 0 -160 m, tránh đường Bàu Lách, đường Nguyễn Thị Rảnh hiện hữu; đoạn tiếp dài 3,7 km nắn về phía Nam từ 0 -120 m tránh đường Trung Viết, Cao Thị Bèo hiện hữu, đoạn còn lại trùng tim quy hoạch. Phướng án này, chiều dài tuyến là 17,29 km, diện tích GPMB 154,05 ha, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 13.803 tỷ đồng.
Về hiện trạng, tuyến cơ bản tránh các đường hiện hữu, số hộ di dời ít, chi phí GPMB giảm. Không ảnh hưởng đến kết nối giao thông khu vực.
Phương án 3: Nắn chỉnh đoạn 14,1 km tuyến về phía Nam từ 0m đến 1.300 m tránh các đường hiện hữu, đoạn 2,5 km còn lại trùng tim quy hoạch. Phương án này, chiều dài tuyến là 16,75 km, diện tích GPMB khoảng 150 ha, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 13.631 tỷ đồng.
Về hiện trạng, tuyến tránh xa các đường hiện hữu, số hộ di dời ít nhất, chi phi GPMB thấp nhất. Có thể kết nối đường khu vực vào 2 tuyến cao tốc.
Từ những nội dung nêu trên, Sở GTVT kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương nghiên cứu một số phương án tuyến (trong đó có một số đoạn không trùng với tuyến quy hoạch hiện hữu) nhằm giảm khối lượng và chi phí bồi thường GPMB, giảm chi phí đầu tư dự án, tăng hiệu quả đường vành đai 4 đoạn qua địa bàn TP.HCM.
Đường vành đai 4 dài gần 200 km, với thiết kế có 6-8 làn xe, đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng mức đầu tư sơ bộ dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng và được thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo kế hoạch đã được 5 địa phương thống nhất, cuối năm nay sẽ hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và quyết định chủ trương đầu tư tháng 3 năm sau. Việc chọn nhà đầu tư sẽ hoàn thành giữa năm 2024 để khởi công dự án. Công trình dự kiến thi công trong ba năm và khai thác, thu phí hoàn vốn từ quý 1/2028.
Khu vực TP HCM được quy hoạch bao quanh ba tuyến vành đai, giúp giảm ùn tắc cho nội thành và liên kết Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngoài Vành đai 4, tuyến Vành đai 3 đi qua thành phố và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, dự kiến khởi công giữa năm sau, hoàn thành sau ba năm. Riêng Vành đai 2 nằm trọn ở địa phận TP HCM, dài khoảng 64 km, hiện còn gần 14 km chưa khép kín.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị