Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình: Những gói thầu tiết kiệm nhỏ giọt
Tại gói thầu: “Mua sắm thiết bị dạy học tổi thiểu lớp 1”, liên danh Công ty TNHH thiết bị giáo dục và đồ chơi Tràng An- Công ty CP TMDV Hoàng Phúc và Công ty CP vật tư thiết bị Phương Nam được lựa chọn trúng thầu với giá 15.138.369.000 đồng theo quyết định số 494/QĐ-SGD&ĐT ngày 12/7/2021 do ông Nguyễn Viết Hiển, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thái Bình ký (giá gói thầu 15.370.017.000 đồng).
Ngoài gói thầu trên, hàng loạt gói thầu khác do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình làm chủ đầu tư những năm qua đều có mức tiết kiệm ngân sách nhỏ giọt.
Quyết định phê duyệt trúng thầu do ông Nguyễn Viết Hiển, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình ký.
Tháng 5/2021 Công ty cổ phần H-PEC Việt Nam được phê duyệt trúng gói thầu: Mua sắm bố sung máy tính, thiết bị dạy học ngoại ngữ cho các trường phổ thông, được phê duyệt trúng thầu với giá 17.229.530.000 đồng theo quyết định số 361/QĐ-SGDĐT ngày 31/5/2021 do ông Nguyễn Viết Hiển, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình ký. Giá gói thầu 17.318.322.000 đồng. Tiết kiệm ngân sách 90 triệu đồng, tức chỉ là 0,51/%.
Trước đó tháng 9/2019 liên danh Công ty cổ phần Văn hóa và giáo dục Tân Việt – Công ty cổ phần đầu tư công nghệ và xây dựng VNG – Công ty TNHH công nghệ cao Minh Nghĩa trúng gói thầu: “Mua sắm trang thiết bị, cải tạo và nâng cấp hệ thống thư viện trường học thuộc ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Bình năm 2019” với giá 13.024.016.000 đồng theo quyết định số 347/QĐ-SGDĐT ngày 16/9/2019 (giá gói thầu 13.038.608.000 đồng). Tiết kiệm cho ngân sách chỉ 14 triệu đồng, tương đương với 0,11%.
Sau đó ít ngày, tại gói thầu: Mua sắm bổ sung trang thiết bị cho 14 trường trung học phổ thông thuộc ngành giáo dục và đào tạo Thái Bình”, liên danh Công ty TNHH thương mại và kỹ thuật Viễn Đông – Công ty cổ phần đầu tư P và T được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình phê duyệt trúng thầu với giá 10.321.500.000 đồng theo quyết định số 372/QĐ- SGDĐT ngày 30/9/2019 (giá gói thầu 10.347.456.000 đồng). Tại gói thầu trị giá hơn 10,3 tỷ đồng nhưng tiết kiệm ngân sách chỉ vỏn vẹn 26 triệu đồng, tính ra đạt tỷ lệ 0,25%, con số khó có thể thấp hơn.
Tiếp đó tháng 10/2019 Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình phê duyệt trúng thầu tiếp tục phê duyệt trúng gói thầu Mua sắm trang thiết bị phòng học ngoại ngữ, bổ sung máy vi tính cho các trường phổ thông năm 2019 cho Công ty cổ phần HPEC Việt Nam – Công ty TNHH máy tính Toàn Cầu Q và A với giá 12.698.868.000 đồng theo quyết định số 404/QĐ-SGDĐT ngày 24/10/2019 (giá gói thầu 12.719.676.000 đồng). Sau đấu thầu số tiền tiết kiệm cho ngân sách nhà nước rất hạn hẹp, chỉ khoảng 21 triệu đồng ở gói thầu gần 13 tỷ đồng, với tỷ lệ đạt 0,16%..
Nhiều Giám đốc Sở GD&ĐT bị khởi tố vì thông thầu
Mới đây nhất, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên – ông Nguyễn Văn Kiên bị khởi tố. Trường hợp ông Nguyễn Văn Kiên không phải là Giám đốc Sở GD&ĐT tạo đầu tiên bị bắt trong năm nay do thông thầu.
Theo đó, ngày 23/9, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với các bị can đối với Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên và 5 cán bộ có liên quan về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trước đó, cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Kiên cùng 3 cán bộ dưới quyền và 2 giám đốc doanh nghiệp.
Căn cứ kết quả điều tra, xác minh và hồ sơ tài liệu thu thập được, Cơ quan CSĐT xác định, ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên đã chỉ đạo một số cán bộ dưới quyền thông đồng cùng với Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Điện Biên (nhà thầu) và Công ty cổ phần thẩm định giá BTCVALUE, Công ty TNHH tư vấn xây dựng T&C, Công ty TNHH tư vấn thiết kế và xây dựng Tây Đô thực hiện các hành vi vi phạm Luật Đấu thầu để cho Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Điện Biên trúng 2 gói thầu cung cấp thiết bị dạy học tối thiểu, gây thiệt hại tài sản nhà nước.
Ngày 16/7, Cơ quan cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa.
Bà Phạm Thị Hằng khi còn Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của nhiều gối thầu có trị giá nhiều chục tỷ đồng.
Sau khi các trang thiết bị này được trang bị cho các trường học thì chỉ trong một thời gian ngắn đã hư hỏng. Gây thiệt hại lớn cho nhà nước.
Trước đó, ngày 24/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh và ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 9 bị can trong đó có Vũ Liên Oanh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh; Ngô Vui, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính; Hà Huy Long, nguyên Phó phòng Kế hoạch Tài chính…
Hai lỗ hổng lớn…?
Trong tất cả các vụ án liên quan đến mua sắm nói trên, dù bằng hình thức chỉ định thầu, đấu thầu hay mua sắm trực tiếp… chúng ta đều thấy có 1 điểm chung là: giá của các thiết bị đôn lên rất cao so với thực tế giá thị trường. Chính điều này đã làm tăng chi phí các gói thầu mua sắm thiết bị, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước và phụ huynh học sinh…
Theo các chuyên gia, việc “thổi giá” so với giá trị thực là có sự câu kết chặt chẽ giữa cán bộ của các bên mời thầu và “nhiều doanh nghiệp” khác nhau, trong đó đặc biệt là với các doanh nghiệp thẩm định giá.
Vấn đề đặt ra là vì sao trong các vụ án này, các đối tượng lại có thể dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng để “thổi giá” tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực thiết bị?
Đọc lại nội dung Điều 29 và Điều 42 Luật Giá 2012 cho thấy pháp luật đã trao quyền cho DN có chức năng thẩm định giá quá lớn: Được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá và nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng; và hoạt động theo nguyên tắc độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và chỉ chịu trách nhiệm trước khách hàng về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá…
Tuy nhiên, lại quá dễ dãi khi không hề có quy định cơ quan nào, cấp nào có quyền hậu kiểm kết quả thẩm định; giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện của thẩm định viên có đảm bảo theo luật định; hoặc hỗ trợ tạo điều kiện cho thẩm định viên hoạt động độc lập về chuyên môn, không chịu sự chi phối hay sức ép bất cứ từ bên nào ? Muốn định giá cao thì thẩm định viên tô hồng tài sản, thay đổi số liệu để định giá cao tài sản đó, còn nếu muốn định giá thấp thì phớt lờ các lợi thế của tài sản như: thương hiệu, giấy phép… ? Chỉ đến khi vụ việc bị cáo giác, Thanh tra, Kiểm toán nhà nước vào cuộc thì dư luận, cơ quan chủ quản mới biết số liệu, kết quả thẩm định giá là… “khống”.
Bên cạnh đó, quy định về đấu thầu cũng có nhiều bất cập dẫn đến hình thức “chỉ định thầu” bị lợi dụng triệt để trong các vụ mua sắm thiết bị. Theo đó, có thể thấy hình thức chỉ định thầu là một trong 06 hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu 2013. Do thủ tục lựa chọn nhà thầu đơn giản, thời gian thực hiện ngắn nên đây là hình thức được áp dụng tương đối phổ biến.
Thay lời kết
Từ những vụ án trên cho thấy công tác tổ chức đấu thầu đang có những lỗ hổng tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng. Hai kẽ hở lớn nhất, đó là: Quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu 2013, cho phép chỉ định thầu trong một số trường hợp như: Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách… hay chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện; và quy định thẩm định viên được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá và nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng; và hoạt động theo nguyên tắc độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và chỉ chịu trách nhiệm trước khách hàng về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá… (Điều 29 và Điều 42 Luật Giá 2012) nhưng lại không có cơ chế hậu kiểm hoặc chịu giám sát, kiểm tra của bất kỳ cơ quan nào. Khiến chính những người đại diện cho cơ quan có thẩm quyền lại rất dễ dàng bị thao túng, lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện những hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu.
Vì vậy để ngăn chặn hành vi “thổi giá” nâng khống thiết bị xảy ra trong tương lai cần sớm bịt lại các kẽ hở về chỉ định thầu và thẩm định giá. Theo đó, cần phải cân nhắc những nội dung bất cập trong quy định về chỉ định thầu tại Điều 22 Luật Đấu thầu 2013.
Cùng với đó, xem xét sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật làm hạn chế sự lạm quyền của thẩm định viên và các tổ chức hoạt động về thẩm định giá theo hướng muốn “lách” cũng không có “cửa”; bổ sung quy định khắt khe hơn về tiêu chuẩn đào tạo, tuyển dụng và cấp giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thẩm định giá; chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân hành nghề thẩm định giá; công khai những trường hợp vi phạm… Đặc biệt xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân nếu phát hiện có hành vi thông đồng, nâng khống, trục lợi, làm thất thoát tài sản nhà nước.
Nguồn: hoanhap.vn