Sở GD&ĐT Nghệ An: Thực trạng và giải pháp để hạn chế việc nâng khống giá thiết bị và tăng tỉ lệ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước
Thực trạng đấu thầu tại Sở GD&ĐT Nghệ An
Theo số liệu thống kê từ hệ thống đấu thầu điện tử quốc gia thì sở GD&ĐT Nghệ An đã công bố kế hoạch lựa chọn nhà thầu của 83 dự án với tổng số 248 gói thầu và có quan hệ với 44 nhà thầu. Đã thực hiện mời thầu 140 gói (với 160 thông báo mời thầu), thực hiện mời sơ tuyển 0 gói và cũng đã công bố kết quả của 73 gói. Có 13 gói có kết quả mà không có TBMT, TBMST.
Tuy nhiên khi điểm qua một vài gói thầu ngoài việc tỉ lệ tiết kiệm thấp, thậm chí giá thiết bị có dấu hiệu cao hơn thị trường.
Một số gói thầu về giảng dạy tiếng Anh trong 3 năm vừa qua với chỉ số tiết kiệm thấp cùng các nhà thầu quen thuộc.
Trong 3 năm liên tục, từ năm 2019 đến 2021, công ty cổ phần Trung Tâm Anh Ngữ Ama Vinh đã trúng thầu liên tiếp với chỉ số tiết kiệm tượng trưng, gói thầu tiền tỉ nhưng chỉ tiết kiệm hơn 100 nghìn đồng. Cụ thể, tại gói thầu “Bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm cho giáo viên dạy tiếng Anh phổ thông” năm 2021 có giá gói thầu là 923.950.000 VNĐ, hình thức đấu thầu qua mạng, công ty cổ phần Trung Tâm Anh Ngữ Ama Vinh đã trúng thầu với giá 923.850.000 VNĐ, tiết kiệm đúng 100 nghìn đồng. Năm 2020 tại một gói thầu tương tự có tên “Gói thầu số 01: Bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm cho giáo viên Tiếng Anh” có giá gói thầu là 2.898.663.000 VNĐ và công ty cổ phần Trung Tâm Anh Ngữ Ama Vinh đã trúng thầu với giá 2.898.550.000 VNĐ, tiết kiệm được 113 nghìn đồng.
Tương tự, tại gói thầu “Bồi dưỡng dạy tích hợp tiếng Anh với môn Toán và Khoa học cho giáo viên tiếng Anh tiểu học” vào tháng 7/20221, giá gói thầu là 907.395.000 đồng, công ty cổ phần giáo dục và du học quốc tế Việt Úc đã trúng thầu với giá 903.420.000 VNĐ tiết kiệm được gần 4 triệu đồng tương đương 0.4%. Gói thầu tương tự có tên “Gói thầu số 02: Đào tạo và bồi dưỡng phương pháp và kỹ năng giảng dạy Tiếng Anh tích hợp môn học (toán-khoa học) cho giáo viên tiếng Anh tiểu học” tháng 12/2020, có giá gói thầu 960.819.000 VNĐ, Công ty cổ phần Giáo dục và Du học quốc tế Việt Úc trúng thầu với giá 948.615.500 VNĐ tiết kiệm được hơn 12 triệu đồng.
Một trong những quyết định phê duyệt trúng thầu gần đây của ông Thái Văn Thành – Sở GDĐT Nghệ An
Không chỉ trong lĩnh vực tư vấn, mà kể cả trong mua sắm cũng có chỉ số tiết kiệm nhỏ giọt. Tại “Gói thầu số 06: Mua sắm thiết bị phòng học ngoại ngữ năm 2020 cho 50 trường Tiểu học, 35 trường THCS và THPT tại thành phố Vinh và các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An” có giá thầu là 17.003.640.000 VND, Liên danh Công ty cổ phần thiết bị giáo dục Hải Hà và công ty cổ phần thương mại Hồng Hà đã trúng thầu với giá 16.955.750.000 VND tiết kiệm được hơn 47 triệu đồng, tương đương 0.28%.
Liên danh này cũng trúng tiếp Gói thầu số 07: Mua sắm thiết bị phòng học ngoại ngữ năm 2020 cho 85 trường Tiểu học, 56 trường THCS và THPT tại các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, thị xã Cửa Lò, thị xã Thái Hòa và thị xã Hoàng Mai tỉnh Nghệ An với giá 27.760.600.000 trong khi giá gói thầu là 27.838.954.000 VNĐ. Tiết kiệm hơn 78 triệu cũng tương đương 0.28%.
Như vậy, Liên danh Công ty cổ phần thiết bị giáo dục Hải Hà và Công ty cổ phần thương mại Hồng Hà trúng tổng 2 gói thầu đến hơn 47 tỉ đồng mà tiết kiệm được hơn 100 triệu cho ngân sách Nhà nước.
Giá thiết bị cao bất thường
Không chỉ là không tiết kiệm và các nhà thầu quen mặt, mà các gói thầu tại sở GD&ĐT Nghệ An còn có cho thấy giá thiết bị cao hơn so với thị trường hoặc so với các gói thầu tại các chủ đầu tư khác có sự chênh lệch lớn. Điều này khiến dư luận không khỏi hoài nghi về việc liệu có bất minh nào trong quá trình đấu thầu này hay không?
Điển hình, tại “Gói thầu số 03: Mua sắm thiết bị dạy học phòng học thông minh của 14 trường trọng điểm chất lượng cao” năm 2020 có giá gói thầu là 13.485.145.000 VNĐ do Công ty TNHH Tin học Thương mại Dũng Diệu (có địa chỉ tại 75a Nguyễn Thị Minh Khai, Hưng Bình, Thành phố Vinh, Nghệ An) đã trúng thầu với giá 13.452.665.000 VNĐ, chỉ số tiết kiệm là 0.24%. Tuy nhiên với một số thiết bị công khai giá trên thị trường thì có dấu hiệu cao bất thường như Thiết bị màn hình hiển thị (Model: TT-7518VN Hãng sản xuất: Newline) có giá trúng thầu là 209.500.000 VNĐ trong khi giá thị trường cùng Model là 180.000.000 VNĐ, với số lượng 23 thiết bị đã khiến chênh lệnh lên tới 678.500.000 VNĐ, hay với thiết bị Camera thu hình vật thể (Model: F17-8M Hãng sản xuất: Avervision) có giá trúng thầu là 20.000.000 thì giá thị trường là 7.500.000, tổng chênh lệch lên tới 287.500.000 VNĐ. Gói thầu này có tổng 54 loại thiết bị nhưng đối chiếu sơ bộ với 5 loại thiết bị công khai giá đã chênh tới hơn 1 tỉ đồng. Trước đó, năm 2018, công ty TNHH Tin học Thương mại Dũng Diệu cũng đã trúng thầu gói thầu “Mua sắm phần mềm Quản lý ngân hàng đề thi tại Sở Giáo dục và Đào tạo, các phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, thị xã và các trường THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An” với giá thầu là 1.950.000 VNĐ với chỉ số tiết kiệm bằng 0.
Một số gói thầu mua sắm điển hình trong năm 2020 tại Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An
Hay ở một số gói thầu khác như “Gói thầu số 04: Mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu và trang thiết bị, đồ dùng nhà ăn, nhà bếp, khu ở nội trú thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.” và “Gói thầu số 03: Mua sắm thiết bị mầm non năm 2020 cho 278 trường mầm non tại 21 huyện, thành phố và thị xã tỉnh Nghệ An” trong năm 2020 cả 2 gói thầu này Liên danh Công ty TNHH Thiết bị Giáo dục và Đồ chơi Tràng An và Công Ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Và Dịch Vụ Hoàng Mai trúng thầu với chỉ số tiết kiệm cực thấp và một số mặt hàng còn cao hơn giá thị trường và các nhà thầu khác. Điển hình là thiết bị Đàn Organ (CT-X5000) với số lượng cả 2 gói thầu lên đến 146 thiết bị đã khiến tổng chênh lệnh lên tới 831.400.000 VNĐ. Hay với thiết bị cầu trượt đôi thì trong gói thầu số 03: Mua sắm thiết bị mầm non năm 2020 cho 278 trường mầm non tại 21 huyện, thành phố và thị xã tỉnh Nghệ An mặc dù yêu cầu kỹ thuật có vẻ như thấp hơn ( kích thước : D3300 x R2800 x C3000 mm ) nhưng giá lại cao hơn so với thiết bị mà sở tài chính Hải Dương đặt mua ( kích thước D4000 x R2800 x C3300 mm ), mức chênh lên đến 6.000.000 VNĐ và tổng chênh lên đến 126.000.000 VNĐ.
Nhiều sản phẩm có mức giá cao hơn thị trường rất nhiều
So sánh sang thiết bị do sở tài chính Hải Dương thì mức chênh lên đến 60.00.000 VNĐ/ thiết bị
Hay điểm thêm một nhà thầu khá quen ở Nghệ An nữa là Công ty cổ phần thiết bị giáo dục Hải Hà. Tại gói thầu “Gói thầu số 03: Mua sắm thiết bị phòng học bộ môn tại các trường phổ thông công lập năm 2021” có giá trúng thầu 6.258.772.000 VND và giá trúng thầu của Công ty cổ phần thiết bị giáo dục Hải Hà là 6.223.060.000 VND tiết kiệm được 35.712.000 VNĐ tương đương 0.57%. Ở gói thầu này cũng gặp hiện tượng tương tự, đơn cử như với thiết bị “Bàn giáo viên” cho môn vật lý cùng tiêu chuẩn kỹ thuật thì giá trúng thầu là 5.000.000 VNĐ trong khi ở thị trường giá chỉ 2.880.000 VNĐ
Nhiều Giám đốc Sở GD&ĐT bị khởi tố vì thông thầu
Mới đây nhất, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên – ông Nguyễn Văn Kiên bị khởi tố. Trường hợp ông Nguyễn Văn Kiên không phải là Giám đốc Sở GD&ĐT tạo đầu tiên bị bắt trong năm nay do thông thầu.
Theo đó, ngày 23/9, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với các bị can đối với Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên và 5 cán bộ có liên quan về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trước đó, cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Kiên cùng 3 cán bộ dưới quyền và 2 giám đốc doanh nghiệp.
Căn cứ kết quả điều tra, xác minh và hồ sơ tài liệu thu thập được, Cơ quan CSĐT xác định, ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên đã chỉ đạo một số cán bộ dưới quyền thông đồng cùng với Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Điện Biên (nhà thầu) và Công ty cổ phần thẩm định giá BTCVALUE, Công ty TNHH tư vấn xây dựng T&C, Công ty TNHH tư vấn thiết kế và xây dựng Tây Đô thực hiện các hành vi vi phạm Luật Đấu thầu để cho Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Điện Biên trúng 2 gói thầu cung cấp thiết bị dạy học tối thiểu, gây thiệt hại tài sản nhà nước.
Ngày 16/7, Cơ quan cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa.
Bà Phạm Thị Hằng khi còn Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của nhiều gối thầu có trị giá nhiều chục tỷ đồng.
Sau khi các trang thiết bị này được trang bị cho các trường học thì chỉ trong một thời gian ngắn đã hư hỏng. Gây thiệt hại lớn cho nhà nước.
Trước đó, ngày 24/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh và ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 9 bị can trong đó có Vũ Liên Oanh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh; Ngô Vui, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính; Hà Huy Long, nguyên Phó phòng Kế hoạch Tài chính…
Hiện tượng quân xanh quân đỏ
Tình trạng nhà thầu bị loại bởi Hồ sơ dự thầu (HSDT) không đủ tư cách hợp lệ cũng chẳng còn là xa lạ gì, số lượng nhà thầu dự thầu “cho vui” hay “dự cho đủ” điều kiện mở thầu cũng ngày càng nhiều. Lý do mà nhiều nhà thầu bị loại thường nằm ở những điều kiện sơ đẳng, tối thiểu nhất như HSDT không hợp lệ hoặc không có bảo lãnh dự thầu, hồ sơ không niêm phong, đơn dự thầu cũng không hợp lệ…
Báo Đấu Thầu từng có dòng bình luận: “đi đấu thầu mà bị loại bởi tư cách hợp lệ của HSDT hoặc không đáp ứng những tiêu chí tối thiểu như không có bảo lãnh dự thầu, hồ sơ không niêm phong, đơn dự thầu không hợp lệ… không khác nào “đi cày quên trâu”, “đi thi quên bút”…”
Vậy thì chỉ có chuyện nhà thầu này tham dự với mục đích làm quân xanh cho nhà thầu khác, đôi khi còn có sự tiếp tay của bên mời thầu để “dựng nên một vở kịch” trong đấu thầu. Như vậy, đối với những gói thầu này, tính minh bạch và hiệu quả cũng như sự cạnh tranh lành mạnh là không tồn tại và hậu quả của nó lại ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà thầu sạch. Và chắc chắn giá trúng thầu sẽ cực kỳ cao và gần sát với giá gói thầu được phê duyệt.
Hai lỗ hổng lớn…?
Trong tất cả các vụ án liên quan đến mua sắm nói trên, dù bằng hình thức chỉ định thầu, đấu thầu hay mua sắm trực tiếp… chúng ta đều thấy có 1 điểm chung là: giá của các thiết bị đôn lên rất cao so với thực tế giá thị trường. Chính điều này đã làm tăng chi phí các gói thầu mua sắm thiết bị, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước và phụ huynh học sinh…
Theo các chuyên gia, việc “thổi giá” so với giá trị thực là có sự câu kết chặt chẽ giữa cán bộ của các bên mời thầu và “nhiều doanh nghiệp” khác nhau, trong đó đặc biệt là với các doanh nghiệp thẩm định giá.
Vấn đề đặt ra là vì sao trong các vụ án này, các đối tượng lại có thể dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng để “thổi giá” tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực thiết bị?
Đọc lại nội dung Điều 29 và Điều 42 Luật Giá 2012 cho thấy pháp luật đã trao quyền cho DN có chức năng thẩm định giá quá lớn: Được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá và nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng; và hoạt động theo nguyên tắc độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và chỉ chịu trách nhiệm trước khách hàng về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá…
Tuy nhiên, lại quá dễ dãi khi không hề có quy định cơ quan nào, cấp nào có quyền hậu kiểm kết quả thẩm định; giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện của thẩm định viên có đảm bảo theo luật định; hoặc hỗ trợ tạo điều kiện cho thẩm định viên hoạt động độc lập về chuyên môn, không chịu sự chi phối hay sức ép bất cứ từ bên nào ? Muốn định giá cao thì thẩm định viên tô hồng tài sản, thay đổi số liệu để định giá cao tài sản đó, còn nếu muốn định giá thấp thì phớt lờ các lợi thế của tài sản như: thương hiệu, giấy phép… ? Chỉ đến khi vụ việc bị cáo giác, Thanh tra, Kiểm toán nhà nước vào cuộc thì dư luận, cơ quan chủ quản mới biết số liệu, kết quả thẩm định giá là… “khống”.
Bên cạnh đó, quy định về đấu thầu cũng có nhiều bất cập dẫn đến hình thức “chỉ định thầu” bị lợi dụng triệt để trong các vụ mua sắm thiết bị. Theo đó, có thể thấy hình thức chỉ định thầu là một trong 06 hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu 2013. Do thủ tục lựa chọn nhà thầu đơn giản, thời gian thực hiện ngắn nên đây là hình thức được áp dụng tương đối phổ biến.
Thay lời kết
Từ những vụ án trên cho thấy công tác tổ chức đấu thầu đang có những lỗ hổng tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng. Hai kẽ hở lớn nhất, đó là: Quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu 2013, cho phép chỉ định thầu trong một số trường hợp như: Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách… hay chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện; và quy định thẩm định viên được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá và nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng; và hoạt động theo nguyên tắc độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và chỉ chịu trách nhiệm trước khách hàng về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá… (Điều 29 và Điều 42 Luật Giá 2012) nhưng lại không có cơ chế hậu kiểm hoặc chịu giám sát, kiểm tra của bất kỳ cơ quan nào. Khiến chính những người đại diện cho cơ quan có thẩm quyền lại rất dễ dàng bị thao túng, lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện những hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu.
Vì vậy để ngăn chặn hành vi “thổi giá” nâng khống thiết bị xảy ra trong tương lai cần sớm bịt lại các kẽ hở về chỉ định thầu và thẩm định giá. Theo đó, cần phải cân nhắc những nội dung bất cập trong quy định về chỉ định thầu tại Điều 22 Luật Đấu thầu 2013.
Cùng với đó, xem xét sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật làm hạn chế sự lạm quyền của thẩm định viên và các tổ chức hoạt động về thẩm định giá theo hướng muốn “lách” cũng không có “cửa”; bổ sung quy định khắt khe hơn về tiêu chuẩn đào tạo, tuyển dụng và cấp giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thẩm định giá; chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân hành nghề thẩm định giá; công khai những trường hợp vi phạm… Đặc biệt xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân nếu phát hiện có hành vi thông đồng, nâng khống, trục lợi, làm thất thoát tài sản nhà nước.
Nguồn: hoanhap.vn