Sinh viên ra trường chật vật tìm việc làm trong mùa dịch
Sinh viên ra trường chật vật tìm việc làm trong mùa dịch
Đại dịch Covid-19 không chỉ khiến công nhân, lao động bị mất việc, giãn việc làm mà các tân cử nhân ra trường cũng đang chật vật tìm kiếm công việc trong mùa dịch.
Loay hoay tìm kiếm việc làm giữa mùa dịch
Bùi Đình Hiếu (23 tuổi), tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền được hơn 1 năm nay nhưng chưa xin được công việc đúng ngành học nên đã quyết định học lên cao học với mong muốn tìm được một công việc phù hợp với trình độ, năng lực khi ra trường.
“Ra trường vào năm 2020, dịch Covid-19 kéo dài liên tục Hà Nội lại giãn cách xã hội, cắt giảm nhân sự khiến công cuộc xin việc của mình gặp nhiều khó khăn. Mình đã đi nộp hồ sơ mấy chỗ nhưng chưa có kết quả gì”, Hiếu kể lại.
Hiếu cho biết thêm, do không muốn bố mẹ lo lắng và phải về quê nên đành xin gia đình ở lại Hà Nội tìm việc làm tạm thời. Trong thời gian đó, Hiếu đợi cơ hội khác để làm việc làm đúng chuyên ngành tốt nghiệp. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến công việc của Hiếu lại càng khó khăn.
Đến đầu năm 2021, tỉnh Hải Dương quê hương của Hiếu lại rơi vào tâm dịch Covid-19. Một phần công việc cũng chưa ổn định, vì thế Hiếu quyết định từ Hà Nội xin về quê tham gia chống dịch suốt hơn một tháng tại địa phương, đồng thời phụ giúp gia đình làm nông nghiệp.
Bùi Đình Hiếu tham gia phòng chống dịch ở Chí Linh – Hải Dương vào đầu năm 2021
Tốt nghiệp sau Hiếu, Phạm Bích Thúy – cử nhân Giáo dục Mầm non – Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương “khá khẩm” hơn chút khi tìm việc.
Chật vật ứng tuyển ở nhiều nơi, cuối cùng, cô gái 22 tuổi này cũng xin được công việc đúng ngành nghề được học tại nơi mà Thúy đã thực tập trước đó.
Thúy (ngồi ngoài cùng bên trái) và các bạn nhỏ trong lớp
“May mắn hơn các bạn, em được trường trước đây thực tập mời về làm việc tại đó. Tuy nhiên may mắn chưa bao lâu thì em lại nghỉ việc. Đi dạy học được 2 tháng, sau đó do ảnh hưởng của Covid-19 các bé không phải đến trường, em đã nghỉ việc gần 3 tháng nay”, Thúy chia sẻ.
Ra trường vào đúng thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Nguyễn Thị Hường – khoa Công tác xã hội (Đại học Lao động – Xã hội) cũng gặp vô vàn khó khăn.
Nhận được tấm bằng trên tay, Hường nộp hồ sơ nhiều nơi nhưng chật vật không xin được việc vì công việc không nhiều và phải cạnh tranh với lượng lớn lao động đã có kinh nghiệm mất việc do dịch Covid-19.
Hường tâm sự: “Ra trường không có công việc, vừa buồn, vừa thương bố mẹ lo lắng. Nhưng với tình hình hiện nay, có lẽ em phải tìm một công việc tạm thời để có tiền phụ giúp gia đình”.
Đi xin việc nhiều nơi không được, Hường đành tìm công việc khác để làm tạm thời trong giai đoạn dịch Covid-19
Câu chuyện của Hiếu, Thúy hay Hường chỉ là vài trong số rất nhiều câu chuyện phản ánh tình hình thất nghiệp, mất việc làm trong bối cảnh Covid-19 như hiện nay.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế – xã hội quý I/2021 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi lao động thời gian qua là 2,42%, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước.
Không nên quá lo lắng
Trao đổi về những băn khoăn lo lắng trên, ông Vũ Quang Thành – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) thừa nhận, dịch bệnh Covid-19 đang làm ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường lao động. Người lao động phải tìm công việc khác do không tìm được vị trí như mong muốn.
“Trong tình hình đó, người lao động nên đánh giá bản thân xem đã đáp ứng được tiêu chí của nhà tuyển dụng hay chưa, việc đào tạo đã phù hợp với thực tế hay không” – ông Vũ Quang Thành đưa ra lời khuyên.
Theo ông Vũ Quang Thành, các bạn trẻ không quá lo lắng khi chưa tìm được việc làm như mong muốn. Thay vào đó nên dành thời gian này để học hỏi, bổ sung thêm kiến thức, phục vụ bản thân sau này.
“Đơn cử như các bạn có thể học thêm tiếng Anh, tin học, sức khỏe, kỹ năng giao tiếp, ý thức làm việc…”, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội chia sẻ thêm.
Trước tình trạng nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm, PGS.TS Bùi Thị Kim Hậu – Trưởng khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng nhắn nhủ, sinh viên cần học cách chấp nhận khó khăn, trang bị cho mình hành trang kiến thức, kỹ năng để phù hợp với tình hình hiện nay.
“Sinh viên là những người trẻ, năng động, sẽ có những cơ hội nhất định trong thời gian này. Sống trong thời đại dịch cũng sẽ là một trong những cách thức để giúp các em vươn lên khẳng định mình trong một môi trường mới.
Chúng ta đang sống cách ly giữa người với người trong đại dịch Covid- 19 nhưng vẫn kết nối được với nhau bằng công nghệ thông tin, internet, các thiết bị công nghệ, đó chính là cơ hội để các em có việc làm”, PGS.TS Bùi Thị Kim Hậu chia sẻ.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ