Singapore tìm ra phương pháp mới chống ung thư không cần dùng thuốc

Ung thư là bệnh có tỷ lệ tử vong hàng đầu trên thế giới. Những năm qua đã có nhiều tiến bộ lớn trong hóa trị ung thư, tăng tỷ lệ chữa khỏi cũng như tỷ lệ sống sót trung bình của bệnh nhân ung thư.

Mặc dù luôn có các phương pháp điều trị hiệu quả hơn, hóa trị thông thường có nhược điểm liên quan đáng kể đến độc tính. Vấn đề nảy sinh từ cơ chế hoạt động tương đối không đặc hiệu của hầu hết các phương pháp hóa trị dẫn đến thương tổn không chỉ tế bào ung thư, mà cả tế bào bình thường của cơ thể. Do đó, sự kết hợp mạnh hơn của hóa trị thường mang theo những tác dụng phụ nghiêm trọng hơn nhiều.

Theo đó, mới đây nhóm nghiên cứu do Phó Giáo sư Alfredo Franco-Obregón từ Viện Công nghệ và Đổi mới Y tế thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS iHealthtech) dẫn đầu đã công bố phát hiện phương pháp mới sử dụng xung điện từ ngắn và nhẹ để kích thích tế bào cơ sản xuất protein có khả năng chống ung thư. Những protein này sau đó hòa tan vào máu và lan tỏa khắp cơ thể, giúp bảo vệ toàn bộ hệ thống miễn dịch khỏi bệnh ung thư.

Singapore tìm ra phương pháp mới chống ung thư không cần dùng thuốc bằng xung điện từ. Ảnh minh họa

Trong một nghiên cứu trước đây, Phó Giáo sư Franco-Obregón và nhóm của ông đã chứng minh rằng chỉ cần 10 phút tiếp xúc với liệu pháp từ tính mỗi tuần, trong vòng 8 tuần, cũng đủ để tạo ra chất ức chế khối u HTRA1 – tương tự như hiệu quả của việc tập thể dục hai lần mỗi tuần trong 20 phút, kéo dài 8 tuần.

Tập thể dục đã được chứng minh là một biện pháp giúp bảo vệ cơ thể chống lại ung thư, bao gồm giảm nguy cơ mắc các loại ung thư như ung thư vú, tuyến tiền liệt và ruột kết, đồng thời cải thiện tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, do quá trình ung thư phát triển và các tác dụng phụ từ việc điều trị có thể làm suy nhược cơ thể, không phải bệnh nhân nào cũng đủ sức khỏe để tận dụng lợi ích chống ung thư từ việc tập thể dục.

Phó Giáo sư Franco-Obregón giải thích, phương pháp kích thích tế bào cơ của phòng thí nghiệm BICEPS sử dụng một liệu pháp từ tính tương tự như tác dụng của việc tập thể dục. Nghiên cứu mới nhất đã chứng minh rằng phương pháp kích thích cơ không xâm lấn này có thể kích hoạt khả năng chống ung thư tương tự như tập thể dục, đưa chúng ta tiến gần hơn đến việc phát triển phương pháp điều trị không cần thuốc và khám phá các dấu ấn sinh học liên quan đến ung thư.

Ngoài ra, các tế bào cơ được kích thích bằng từ trường cũng có khả năng thu nhỏ các khối u nhỏ và ức chế sự phát triển của mạch máu nuôi dưỡng khối u. Hiện tại, các nhà khoa học đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng để đánh giá hiệu quả của liệu pháp từ tính này trong việc chống lại ung thư, đặc biệt là ở những người mắc ung thư vú và các loại ung thư khác. Họ cũng kỳ vọng sẽ xác định được các dấu ấn sinh học chống ung thư khác do tế bào cơ sản xuất và giải phóng.

Liên quan tới việc sản xuất ra thuốc chống ung thư, trước đó Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca của Anh đã thông báo kế hoạch xây dựng nhà máy trị giá 1,5 tỷ USD tại Singapore để sản xuất thuốc điều trị ung thư thế hệ mới. Thông báo cho biết nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong năm 2029 và sản xuất một loại thuốc chống ung thư đầy hứa hẹn gọi là liên hợp thuốc kháng thể (ADC). ADC là các kháng thể được thiết kế để liên kết với các tế bào khối u và sau đó giải phóng các hóa chất tiêu diệt tế bào ung thư.

Giám đốc AstraZeneca Pascal Soriot nói ADC có tiềm năng lớn thay thế liệu pháp hóa trị truyền thống đối với các bệnh nhân. Những năm gần đây, AstraZeneca mở rộng sang các thị trường châu Á như Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ trong nỗ lực mở rộng chuỗi cung ứng của công ty.

Theo đánh giá của Hiệp hội Du lịch Y tế Toàn cầu, Singapore đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Canada về Chỉ số du lịch y tế giai đoạn 2020-2021. Đánh giá này dựa trên ba tiêu chí chính đó là độ hấp dẫn của điểm đến, mức độ an toàn và chất lượng chăm sóc y tế. Trước đại dịch Covid-19, mỗi năm có khoảng 500.000 bệnh nhân từ khắp nơi trên thế giới đến Singapore để điều trị y tế. Các dịch vụ được ưa chuộng bao gồm điều trị ung thư, phẫu thuật chỉnh hình phức tạp và phẫu thuật tim. Ước tính, ngành du lịch y tế đã đóng góp hơn 1 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế Singapore.

Liên quan tới tình trạng mắc ung thư ở Việt Nam, theo Bệnh viện K, mỗi năm có khoảng 182.600 người mới mắc bệnh ung thư, khoảng 122.700 người tử vong và hiện có hơn 350.000 bệnh nhân đang sống chung với căn bệnh này. Đây là gánh nặng bệnh tật rất lớn.

Hiện nay trang thiết bị, máy móc cho chẩn đoán và điều trị ung thư của Việt Nam sánh ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới, tuy nhiên vướng mắc nhất trong điều trị ung thư tại Việt Nam theo lãnh đạo Bệnh viện K là bệnh nhân quá đông, cơ sở vật chất chưa đáp ứng. Mạng lưới ung thư đã phát triển nhưng chênh lệch về trình độ giữa các tuyến. Bệnh nhân ung thư có tâm lý phải lên tuyến trên gây quá tải cho các bệnh viên trung ương.

Lãnh đạo Bệnh viện K cũng cho hay, thế giới có thuốc mới điều trị ung thư như thế nào, người bệnh Việt Nam đều có, nhưng giá thuốc còn cao nên không phải bệnh nhân nào cũng có cơ hội được sử dụng, trong khi thuốc lại thay đổi thường xuyên.

Hiện tại, Việt Nam đã tham gia thử nghiệm lâm sàng ở pha 2, pha 3 bao gồm 40 thử nghiệm. Thời gian tới sẽ nghiên cứu thêm thử nghiệm lâm sàng pha 1 cho người bệnh không còn biện pháp nào điều trị. Bộ Y tế đã phê duyệt tiến hành thử nghiệm pha 1 nhưng bệnh viện sẽ chuẩn bị kỹ càng về lựa chọn bệnh nhân, đạo đức nghiên cứu cần làm chặt chẽ và cần sự đồng ý của bệnh nhân và người nhà vì rủi ro có thể xảy ra…

Việc phòng ngừa ung và tăng cường phát hiện sớm được xem là “chìa khóa” trong chiến lược phòng chống ung thư. Để giải quyết vấn đề này, riêng Bệnh viện K không thể làm được mà cần xây dựng mạng lưới phòng chống ung thư, đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống ung thư, tầm quan trọng của sàng lọc và phát hiện sớm bệnh…

Vân Thảo (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích