Singapore: Sử dụng nhiên liệu sạch trong ngành hàng không từ năm 2026
Singapore: Sử dụng nhiên liệu sạch trong ngành hàng không từ năm 2026
Singapore dự định sẽ yêu cầu các chuyến bay khởi hành từ nước này sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững từ năm 2026.
Theo kế hoạch được ông Chee Hong Tat – Bộ trưởng Giao thông vận tải công bố tại Hội nghị thượng đỉnh hàng không Changi trước thềm Triển lãm hàng không Singapore, quốc gia này đặt mục tiêu 1% SAF từ năm 2026, và có kế hoạch nâng lên 3-5% vào năm 2030, tùy theo sự phát triển toàn cầu, tính phổ biến và mức độ áp dụng rộng rãi của SAF.
Cơ quan Hàng không Dân dụng Singapore (CAAS), cơ quan đã phát triển kế hoạch này với sự tham vấn của ngành và các bên liên quan khác, cho biết trong một tuyên bố: “Việc sử dụng SAF là con đường quan trọng để khử carbon trong ngành hàng không, và dự kiến sẽ đóng góp khoảng 65% mức giảm phát thải carbon cần thiết để đạt được mức 0 ròng vào năm 2050”.
SAF có thể được tạo ra thông qua quy trình tổng hợp hoặc từ vật liệu sinh học, như dầu ăn đã qua sử dụng hoặc gỗ dăm. SAF hiện chiếm 0,2% thị trường nhiên liệu máy bay.
Ngành hàng không cho biết con số này sẽ tăng lên 65% vào năm 2050, như một phần trong kế hoạch đạt mức phát thải “không ròng” vào thời điểm đó, mặc dù điều đó sẽ đòi hỏi chi tiêu vốn ước tính từ 1,45 nghìn tỷ USD đến 3,2 nghìn tỷ USD.
Các nhà sản xuất SAF phàn nàn rằng họ không chắc chắn về việc liệu nhiên liệu họ sản xuất có được mua hay không, trong khi các hãng hàng không cho biết không có đủ nguồn cung với mức giá phù hợp. SAF hiện có giá cao gấp 5 lần so với nhiên liệu máy bay phản lực truyền thống.
CAAS có kế hoạch áp dụng thuế SAF đối với việc mua SAF để tạo ra tính tin cậy về chi phí cho các hãng hàng không và khách du lịch. Khoản thuế này sẽ được đặt ở mức cố định, dựa trên mục tiêu SAF và giá SAF dự kiến tại thời điểm đó.
Nó sẽ thay đổi dựa trên các yếu tố như khoảng cách di chuyển và hạng chuyến bay. Cơ quan quản lý hàng không Singapore cho biết thêm, hành khách ở hạng cao cấp sẽ phải trả mức thuế cao hơn.
Hải Đăng (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị