Singapore phát triển băng y tế thông minh đầu tiên trên thế giới

Tại Singapore, một loại băng y tế thông minh do các nhà khoa học phát triển có thể theo dõi tình trạng nhiễm trùng và các chỉ số quan trọng của vết thương mãn tính, sau đó thông tin được chuyển đến các bác sĩ để cho phép họ tư vấn từ xa cho bệnh nhân. Băng y tế này là một phần của nền tảng đánh giá vết thương tại điểm cần chăm sóc có tên là VeCare, bao gồm một chip điện tử và một ứng dụng di động. Một nhóm các nhà nghiên cứu từ khoa Kỹ thuật Y sinh của NUS và Viện Sáng kiến và Công nghệ Y tế của NUS (iHealthtech) cùng các cộng tác viên từ Bệnh viện Đa khoa Singapore đã phát triển công nghệ này.

GS. Lim Chwee Teck, Giám đốc iHealthtech, NUS cho biết: “Công nghệ băng y tế thông minh của chúng tôi là công nghệ đầu tiên thuộc loại hình này được thiết kế để quản lý vết thương mãn tính, nhằm cho phép bệnh nhân tự do thực hiện xét nghiệm và theo dõi tình trạng vết thương của họ tại nhà”.

 Singapore phát triển băng y tế thông minh đầu tiên trên thế giới, hỗ trợ điều trị vết thương mãn tính

Những người có vết thương mãn tính như loét tĩnh mạch chân, sẽ được hưởng lợi từ băng y tế thông minh. Trong vòng 15 phút, nó có thể phát hiện nhiệt độ, độ pH, loại vi khuẩn và các dấu hiệu viêm đặc trưng đối với vết thương mãn tính, cho phép chẩn đoán nhanh chóng và chính xác. Băng y tế cũng có thể đánh giá môi trường vi mô của vết thương cũng như tình trạng nhiễm trùng và viêm của nó thông qua các dấu hiệu sinh học từ chất lỏng của vết thương bằng cách sử dụng một hệ thống điện hóa.

Để đánh giá vết thương trong thời gian thực, một con chip được kết nối với cảm biến cung cấp dữ liệu cho ứng dụng di động. Điều này cho phép các bác sĩ theo dõi sự hồi phục của bệnh nhân và đánh giá xem liệu có cần điều trị bổ sung hay không. Băng y tế thông minh hoạt động kết hợp cùng với liệu pháp y tế hiện tại của bệnh nhân, cho phép can thiệp y tế nhanh chóng vào quá trình chữa lành vết thương.

Giai đoạn phát triển tiếp theo của băng y tế thông minh sẽ bao gồm các thử nghiệm lâm sàng trên khoảng 50 -100 bệnh nhân trong vòng 1-2 năm trước khi nó được triển khai rộng rãi cho các bệnh nhân khác. Nhóm nghiên cứu sẽ khám phá việc kết hợp các dấu hiệu sinh học khác phù hợp với các loại vết thương khác và sử dụng dữ liệu trong quy trình làm việc lâm sàng hiện có để cải thiện kết quả chẩn đoán và điều trị. Họ hy vọng sẽ thử nghiệm công nghệ này trên một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên lớn hơn với các loại loét mãn tính khác như loét chân do tiểu đường và loét tì đè.

Các nhà phát triển dự đoán rằng với băng y tế thông minh sẽ có nhiều bệnh nhân hơn có thể theo dõi vết thương mãn tính của họ tại nhà, giảm thiểu việc đến bệnh viện.

GS. Lim, Giám đốc iHealthtech cho biết: “Các thiết bị chăm sóc cùng với khả năng của y tế từ xa hoặc y tế số có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe và xã hội của chúng ta”. Theo ông, công nghệ băng y tế thông minh là công nghệ đầu tiên trong loại hình quản lý vết thương mãn tính, cho phép bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm và theo dõi tình trạng vết thương của họ ngay tại nhà của họ. 

Cũng theo OpenGovAsia, trước đó, Hệ thống Y tế Đại học Quốc gia (NUHS) cũng khởi động sáng kiến “My Health Map” (tạm dịch là bản đồ sức khỏe của tôi) để tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ y tế dự phòng bằng cách cung cấp các cuộc kiểm tra sức khỏe cho người dân tại chỗ khi thích hợp và tổ chức các buổi hội thảo về sức khỏe cộng đồng. Người dân cũng có thể nhận được đề xuất về các kiểm tra sức khỏe và vắc-xin dựa trên nhân khẩu học và tình trạng sức khỏe của họ bằng cách sử dụng chức năng của ứng dụng My Health Map. Đặc biệt, người dân còn có thể sử dụng ứng dụng để lên lịch thăm khám trực tiếp, đăng ký số và xem số lượng bệnh nhân trước họ trong hàng đợi.

Clara Sin, Giám đốc điều hành của văn phòng chuyển đổi dịch vụ và hồ sơ y tế của NUH và NUHS cho biết: “Việc triển khai tính năng tư vấn từ xa là vô cùng kịp thời trong bối cảnh đại dịch COVID-19”. Cơ quan này đặt mục tiêu đảm bảo rằng tất cả bệnh nhân đều nhận được sự chăm sóc nhất quán và không phải đến bệnh viện, đặc biệt là người cao tuổi.

Bảo Linh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích