Singapore: Nguy cơ nước biển dâng cao và nhiệt độ trung bình tăng vào cuối thế kỷ

Singapore: Nguy cơ nước biển dâng cao và nhiệt độ trung bình tăng vào cuối thế kỷ

Singapore đang phải đối mặt với tình trạng mực nước biển dâng cao không thể tránh khỏi trong những thập kỷ tới. Đồng thời, quốc gia này còn có nguy cơ hứng chịu biến đổi khí hậu khi nhiệt độ trung bình hàng ngày có thể tăng tới 5 độ C vào năm 2100.

Mực nước biển dâng thêm 1,15m

Theo bản cập nhật mới đây từ Nghiên cứu về biến đổi khí hậu quốc gia lần thứ ba của Singapore, mực nước biển trung bình xung quanh Singapore sẽ còn tăng cao hơn dự kiến trước đây. Nghiên cứu này dựa trên bản báo cáo đánh giá thứ 6 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc.

Các dự báo trước đây dự báo mực nước biển dâng trung bình lên tới 1m vào cuối thế kỷ này, nhưng nghiên cứu mới nhất đã điều chỉnh con số lên 1,15m. Nghiên cứu này cũng đưa ra kịch bản nếu mức phát thải vẫn ở mức cao, thì mực nước biển trung bình ở quốc gia này có thể lên tới 2m vào năm 2150.

Singapore: Nguy cơ nước biển dâng cao và nhiệt độ trung bình tăng vào cuối thế kỷ -0
Ảnh: AFP

Mực nước biển dâng trung bình xung quanh Singapore hiện là khoảng 0,2m. Được biết, khoảng 30% đất đai của Singapore nằm ở độ cao dưới 5m so với mực nước biển trung bình. Với mực nước biển dâng cao, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như thủy triều dâng cao và nước dâng do bão có thể khiến mực nước biển dâng cao thêm 4 – 5 m.

Nhiệt độ trung bình tăng cao

Ngoài nguy cơ mực nước biển dâng cao hơn dự báo, nghiên cứu trên cũng cảnh báo tình trạng nắng nóng gay gắt, mưa bão dữ dội và hạn hán kéo dài có thể trở thành những hiện tượng bình thường trong những thập kỷ tới. Trong kịch bản xấu nhất, nhiệt độ có thể tăng từ mức trung bình hằng ngày là 27,9 độ C hiện nay lên 32,9 độ C vào năm 2100, trong khi nhiệt độ trung bình hằng ngày cao nhất có thể lên tới 36,7 độ C, tăng từ mức 31,4 độ C ở thời điểm hiện tại, trong trường hợp nếu lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu tiếp tục tăng mạnh.

Tình trạng thời tiết như vậy sẽ có tác động sâu sắc đến sức khỏe của các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là ở những người dễ bị tổn thương, bao gồm người già, trẻ nhỏ và những người làm việc ngoài trời. Trên thực tế, ngay cả ở trong kịch bản lạc quan nhất khi thế giới nỗ lực cắt giảm lượng khí thải, Singapore trở nên nóng hơn là điều không thể tránh khỏi, với nhiệt độ ở đây có thể tăng ít nhất 0,6 độ C vào cuối thế kỷ này.

Bộ trưởng Bộ Phát triển bền vững và Môi trường Singapore Grace Fu nhấn mạnh rằng, nghiên cứu cho thấy rằng con người sẽ phải đối mặt với các điều kiện khí hậu khắc nghiệt hơn, như nhiệt độ cao hơn, mưa lớn hơn, các đợt khô hạn kéo dài và thường xuyên hơn. Những điều kiện khí hậu này cũng có thể dẫn đến những thách thức khí hậu gián tiếp khác, bao gồm cả sự gián đoạn nguồn nước và thực phẩm.

Nỗ lực tìm giải pháp

Đối mặt với mối đe dọa về mực nước biển dâng, chính quyền nước này đã nghiên cứu các cách để bảo vệ bờ biển của Singapore. Theo đó, Singapore cân nhắc xây các đảo nhân tạo ngoài khơi bờ biển phía đông để bảo vệ những vùng đất thấp khi nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Cơ quan Tái phát triển Đô thị (URA) đang xin ý kiến của người dân về Long Island, dự án có thể mất vài thập kỷ để phát triển.

Trên trang web của URA cho biết, các đảo nhân tạo có thể xây cao hơn so với phần đất nội địa, tạo thành “tuyến phòng thủ” trước mực nước biển dâng cao. Ngoài ra, Singapore cũng đang phát triển khả năng giải quyết rủi ro và tăng cường khả năng phục hồi lũ lụt.

Bên cạnh đó, báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Singapore (MSS) thuộc Cơ quan Khí tượng Singapore cho thấy mức độ nghiêm trọng khác nhau của tác động khí hậu mà nước này có thể gặp phải, điều này phụ thuộc vào việc thế giới có thể giảm thiểu phát thải khí nhà kính tốt đến mức nào trong những năm tới. Và để đối phó với những tình huống này, Singapore đã đưa ra nhiều kế hoạch từ xây dựng các khu phát triển mới cao hơn mực nước biển trung bình 4m cho đến tìm cách tốt nhất để hạ nhiệt thành phố.

Bà Grace Fu cho biết, MSS sẽ chia sẻ các dữ liệu này với các quốc gia thành viên ASEAN và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) để có thể thực hiện các đánh giá về tác động khí hậu ở khu vực một cách chi tiết hơn đối với các ngành liên quan, ví dụ như nông nghiệp. Theo Giáo sư Winston Chow, điều này sẽ giúp các nước trong khu vực chuẩn bị cho các mối nguy hiểm liên quan đến khí hậu, chẳng hạn như xây dựng hệ thống cảnh báo sớm tốt hơn đối với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hoặc có cơ sở hạ tầng vật chất, cũng như dựa vào thiên nhiên để chống lại sự gia tăng nhiệt độ hoặc mực nước biển dâng.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích