Singapore mở rộng chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với thiết bị gia dụng, điện tử

Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, các quy định này nhằm cho phép người tiêu dùng và doanh nghiệp lựa chọn các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hơn, giảm thiểu chi phí sử dụng năng lượng và đóng góp vào nỗ lực thực hiện cam kết trung hòa cacbon của Singapore.

Thiết bị gia dụng, điện tử cần dán nhãn năng lượng theo quy định. Ảnh: Bộ Công Thương

Theo đó, máy nước nóng là thiết bị sử dụng nhiều năng lượng thứ 3 trong các hộ gia đình tại Singapore, chỉ đứng sau máy điều hòa không khí và tủ lạnh, chiếm 10% mức tiêu thụ năng lượng của một hộ gia đình thông thường. Còn tủ lạnh bảo quản thương mại, là thiết bị thiết yếu trong các cơ sở thực phẩm, và là một trong những thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng nhất trong các bếp ăn.

Đối với 2 loại thiết bị này, NEA đưa ra các tiêu chuẩn năng lượng tối thiểu và nhãn năng lượng với thang đánh giá 5 điểm cho tất cả các loại máy nước nóng thường được sử dụng trong các hộ gia đình và tủ lạnh bảo quản thương mại, nhằm giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp xác định hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm chi phí và khuyến khích các nhà cung cấp đưa ra các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hơn.

Đối với các thiết bị khác như điều hòa không khí di động, đèn và máy thu hình, các quy định pháp lý bắt buộc sẽ áp dụng từ ngày 01 tháng 4 năm 2024 theo quy định NEA-LSD-CIRCULAR-ECA-00002-2023.

Theo ông Cao Xuân Thắng – Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore, các doanh nghiệp không tuân thủ sẽ có thể bị phạt tới 10.000 đô la Singapore.

Là một trong những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người rất cao. Các quy định về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng chủ yếu để đảm bảo tuân thủ các điều ước quốc tế mà Singapore đã cam kết. Các doanh nghiệp vi phạm quy định sẽ bị phạt rất nghiêm khắc và thường bị kiểm soát chặt chẽ hơn trong tương lai.

Do đó, Thương vụ khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, phân phối các sản phẩm nêu trên cần lưu ý tuân thủ khi tiếp cận thị trường Singapore. Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo ra một cơ hội cạnh tranh công bằng và bền vững trên thị trường quốc tế.

Trước đó, Thương vụ Việt Nam tại Singapore thông tin Cơ quan quản lý Thực phẩm Singapore (SFA) thu hồi một số sản phẩm thực phẩm có xuất xứ từ Việt Nam. Các sản phẩm này có chứa trứng – được coi là một trong những thành phần gây dị ứng cho người sử dụng – nhưng không được ghi chú trên nhãn mác của sản phẩm.

Tại Singapore, việc ghi nhãn thực phẩm được quản lý bởi SFA. Cơ quan này đảm bảo thực phẩm bán ở Singapore là an toàn và bảo vệ người tiêu dùng khỏi những nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến sức khỏe.

Để tiếp cận tốt thị trường, tăng thị phần và tạo uy tín thương hiệu sản phẩm đối với người tiêu dùng tại Singapore, các doanh nghiệp Việt Nam nên thường xuyên cập nhật thông tin và tuân thủ nghiêm túc các quy định của nước sở tại.

Các biện pháp mới này cũng là một phần của nỗ lực của Singapore trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm thông qua việc quản lý nhãn mác và nguồn gốc hàng hóa, nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi các nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến sức khỏe.

Duy Trinh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích