Siêu thị Hà Nội đầy ắp thực phẩm tươi ngon cho người dân chống dịch

Siêu thị Hà Nội đầy ắp thực phẩm tươi ngon cho người dân chống dịch

Các siêu thị, Trung tâm thương mại tại Hà Nội liên tục được bổ sung thực phẩm tươi ngon, đảm bảo đủ hàng hoá nhu yếu phẩm cho người dân trong những ngày giãn cách xã hội để chống dịch.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tối muộn ngày 23/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ra chỉ thị thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn TP để phòng chống dịch COVID-19.

Chỉ thị nêu, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 6h ngày 24/7 trên phạm vi toàn TP theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; TP cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.

Trước việc giãn cách toàn thành phố nhiều người dân lo sợ tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, bước vào ngày thứ hai Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị như Big C Garden, Co.opmart Hà Đông, Vinmart… được cung cấp đầy đủ, đảm bảo phục vụ người dân chống dịch.

Empty

Ngày thứ hai Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, hàng hóa, thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị được chuẩn bị đầy đủ cho người dân

“Hôm nay gia đình tôi mới đến siêu thị để mua một ít lương thực, thực phẩm vì ở nhà sắp hết hết. Sau khi có chỉ thị thực hiện giãn cách xã hội, tôi đã không vội vàng đi mua ngay. Tôi tin rằng lượng lương thực, thực phẩm tại các siêu thị sẽ cung cấp đủ cho người dân trong những ngày cách ly, người dân không nên tập trung đông, đổ xô mua tích trữ, điều này dẫn đến tình trạng lây lan dịch bệnh” – Chị Hoàng Thị Ngân, Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay.

Để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, các siêu thị đã bố trí nhân viên đo nhiệt độ, hướng dẫn người dân khai báo y tế, nhắc nhở người dân thưc hiện giãn cách khi mua hàng.

Empty
Empty

Người dân khi vào siêu thị được đo thân nhiệt, khai báo y tế, sát khuẩn tay,….

Tại Big C Garden, Mễ Trì (Nam Từ Liêm) thực phẩm tươi ngon được chuẩn bị đầy đủ, siêu thị chỉ đón 20 khách theo từng đợt. “Chúng tôi chỉ đón khoảng 20 khách vào mỗi đợt, khách hàng sau khi mua  xong thì chúng tôi sẽ đón lượt khách hàng tiếp theo. Hiện nay chúng tôi vẫn có đầy đủ lương thực thực phẩm thiết yếu để cung cấp cho người dân, rất mong người dân nâng cao ý thức thực hiện 5K khi mua hàng tại siêu thị” – một nhân viên Big C Garden cho biết.

Trong sáng nay, lượng người dân mua sắm tại siêu thị Big C Garden đông hơn so với những ngày thường. Các loại hàng hóa thiết yếu như gạo, thịt, cá, rau củ quả,… được các nhân viên siêu thị bổ sung lên kệ kịp thời.

Ở quầy rau xanh có đủ loại rau như rau muống, rau ngót, mùng tơi, cải xanh, rau dền, bắp cải… đến các loại quả, như cà chua, bí xanh, bí đỏ, bầu, su su… và các loại rau gia vị. Trong khi đó, các quầy lương thực, gạo, mì chất đầy trên kệ và ít người mua hơn.

Tại khu vực bán trứng gà, vịt, nhân viên siêu thị khuyên mỗi người chỉ mua 2 vỉ, không nên mua nhiều để tích trữ. Mặt hàng được mua nhiều là thực phẩm tươi sống thịt lợn, thịt gà, thịt bò,…

Empty

Các mặt hàng rau củ quả được nhân viên siêu thị đưa lên kệ liên tục

Chị Nguyễn Thị Hoa (Văn Phú, Hà Đông) mua sắm tại siêu thị Co.opmart Hà Đông cho biết, chị chỉ mua đủ lượng thực phẩm trong vài ngày để hạn chế phải đi chợ nhiều lần.

“Trong thời gian giãn cách xã hội, hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm vẫn mở cửa bình thường nên người dân không cần phải đổ xô tích trữ làm gì, vừa gây nguy cơ lây lan dịch bệnh, lại vô tình tạo sự khan hiếm giả, đẩy giá thực phẩm lên cao, cuối cùng người thiệt vẫn là người tiêu dùng” – chị Hoa chia sẻ.

Tương tự, tại các chợ truyền thống, chợ dân sinh trong ngày thứ hai thực hiện giãn cách lượng hàng hóa, nhu yếu phẩm dồi dào, cung cấp đầy đủ cho người dân. So với ngày thường, giá mua tại các chợ truyền thống cao hơn không đáng kể.

Empty

Sở Công thương Hà Nội khẳng định trong bất kỳ tình huống nào cũng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, không để thiếu hàng kể cả trong tình huống mua sắm tăng cao

Theo Sở Công thương Hà Nội, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các doanh nghiệp tại Hà Nội đã tăng lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu lên 30 – 50% trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường.

Lượng hàng hóa dự trữ gồm 17 mặt hàng thiết yếu, có tổng trị giá khoảng 194.000 tỷ đồng. Cùng với đó các doanh nghiệp còn chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng và bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ cho nhu cầu của người dân.

Sở Công Thương Hà Nội khẳng định trong bất kỳ tình huống nào cũng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, không để thiếu hàng kể cả trong tình huống mua sắm tăng cao.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Bạn cũng có thể thích