Siêu hạn hán, hươu cao cổ chết khát đầy ám ảnh ở Châu Phi, nạn nhân tiếp theo sẽ là con người?
Siêu hạn hán, hươu cao cổ chết khát đầy ám ảnh ở Châu Phi, nạn nhân tiếp theo sẽ là con người?
Liên Hợp Quốc dự báo đây là đợt hạn hán tồi tệ nhất mà Kenya phải đối mặt trong vòng 40 năm trở lại đây.
Đường vào Biyamadow, một ngôi làng ở Hạt Wajir phía đông bắc Kenya, những ngày này cứ như lối vào của địa ngục. Nắng nóng như thiêu như đốt khiến không khí hóa lỏng ra. Hai bên đường thỉnh thoảng lại thấy một con vật chết phơi thây, chỉ còn lại xương và bộ da khô xẹp lép như quả bóng bay bị xì hết hơi.
Ed Ram, một phóng viên ảnh, cựu nhà báo của BBC đã bắt gặp một cảnh tượng hết sức đau lòng: 6 con hươu cao cổ với thân hình tiều tụy chết trong tư thế chụm vào nhau. Những con hươu đã bị suy dinh dưỡng trước khi chết vì khát. Chúng có vẻ đã cố tiếp cận một hồ nước trong vùng, nhưng tới được nơi thì hóa ra cái hồ cũng đã cạn kiệt.
Miền bắc Kenya đang trải qua một trong những đợt hạn hán khủng khiếp nhất trong lịch sử của họ. Kể từ tháng 9 năm ngoái, lượng mưa ở khu vực này đã sụt giảm 30% so với cùng kỳ hàng năm.
Giám đốc Cục Khí tượng Kenya, ông Bernard Chanzu cho biết nước này thỉnh thoảng vẫn đón những cơn bão rải rác đem theo mưa xen kẽ với những đợt khô hạn kéo dài. Nhưng bây giờ, những cơn bão đã không trở lại nữa.
“Hiện chúng tôi đang ở trong tình trạng hạn hán. Và điều đó không chỉ xảy ra ở Kenya, mà còn ảnh hưởng đến hầu hết Đông Phi”, ông Chanzu nói. “Tình trạng này sẽ còn tiếp tục kéo dài cho đến cuối năm. Những cơn bão trước đây đã biến mất. Vì vậy tình hình được dự đoán là sẽ không có biến chuyển nhiều”.
Vật nuôi và nhiều loài động vật hoang dã đã chết
Ibrahim Adow, một cư dân tại làng Biyamadow, cho biết: “Tôi năm nay 72 tuổi rồi nhưng chưa bao giờ thấy điều gì như thế này”. Hạn hán kéo dài khiến các đồng cỏ chết vì khô. Kế đó là gia súc không có đủ nước và thức ăn.
Bản thân Adow đã mất hơn một nửa đàn gia súc của mình. Những con còn lại cũng bị suy dinh dưỡng đến mức quá yếu, không còn cho sữa và cơ thể thì quá gầy để bán lấy thịt. “Không ai còn muốn mua chúng làm gì nữa”, Adow nói.
Chỉ trong 4 tháng qua, giá bò đã giảm từ khoảng 40.000 shilling Kenya (357 USD) xuống còn 5.000 KSH (45 USD) một con.
Số phận của động vật hoang dã trong khu vực thậm chí còn bi thảm hơn. Theo The Star, một ấn phẩm tin tức của Kenya, đợt hạn hán đang đe dọa sự tồn tại của gần 5.000 con hươu cao cổ.
Kenya là quê hương của ba loài hươu cao cổ, bao gồm hươu cao cổ Maasai, hươu cao cổ Reticulated và hươu cao cổ Nubian. Tổng đàn hươu trong cuộc điều tra dân số mới nhất thực hiện hồi tháng 8 là hơn 34.000 con.
Nhưng hạn hán bây giờ có thể đe dọa tính mạng của một phần bảy trong số chúng. Hươu cao cổ là một loài động vật to lớn và có nhu cầu nước tương đối cao để duy trì cơ thể chúng. Giống như voi, đây là một trong những loài sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên bởi hạn hán.
Năm 2017, một đợt hạn hán ở Kenya cũng đã giết chết 400 con voi. Các loài động vật hoang dã khác nhỏ hơn như ngựa vằn, gerenuk, trâu và linh dương đầu bò có sức chống chịu tốt hơn.
Nhưng tình hình ở Kenya hiện tại cho thấy chúng cũng đang chết vì khát. Một số loài động vật hoang dã đã phải vượt ra ngoài khu bảo tồn để tìm đến tận đồng cỏ nuôi gia súc và khu vực sinh sống của con người để tìm nước.
Trong khi đó, hoạt động trồng trọt của người dân bản địa ở hai bên bờ sông có thể ngăn cản một số loài không dám băng qua nơi có người để tiếp cận nguồn nước.
Fred Segor, Tổng thư ký tổ chức bảo tồn Wildlife ở Kenya cho biết động vật hoang dã ở miền đông bắc nước này đang là quần thể chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ hạn hán. Chính phủ Kenya vẫn đang cố gắng thảo luận để giải quyết tình hình. Segor đã đưa ra đề xuất lắp đặt các máy bơm và vòi phun nước để hỗ trợ động vật hoang dã trong khu vực.
Trong khi đó, các nhân viên hiện trường của Wildlife vẫn đang làm việc để thống kê thiệt hại và số lượng động vật hoang dã đã chết, với hi vọng có thể thúc đẩy chính phủ hành động nhanh hơn.
Nạn nhân tiếp theo là con người
Hạn hán, thiếu nước và tiếp theo sẽ là khủng hoảng lương thực. Đó là một công thức thường thấy ở miền bắc Kenya trong những năm gần đây. Người dân ở làng Biyamadow như Adow đã quen dần với việc phải ăn ngô để sống qua ngày.
Họ chỉ có ngô để chờ đợi những cơn mưa quay trở lại, làm tươi tốt mùa màng, vỗ béo đàn gia súc yếu ớt, giấu xương của chúng trở lại da để bán được giá và giải quyết vấn đề tài chính.
Nhưng năm nay có vẻ như cơn mưa sẽ không đến. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), năm 2020 được xếp hạng là năm ấm thứ ba từng được ghi nhận trong lịch sử ở Châu Phi.
Các ước tính cho thấy nhiệt độ ở khu vực này có thể tăng lên tới 2,5 độ C. vào năm 2050. Với hiện tượng ấm lên toàn cầu, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ trở nên ngày một cực đoan hơn.
Liên Hợp Quốc dự báo đây có thể là đợt hạn hán tồi tệ nhất mà Kenya phải đối mặt trong vòng 40 năm trở lại đây. Chu kỳ siêu hạn hán ở khu vực này đang ngày một ngắn lại, từ các đợt siêu hạn cách nhau 5-7 năm, bây giờ đã xảy ra mỗi 3 năm. Khoảng thời gian ngắn ngủi này không đủ để các đồng cỏ và vùng nước tái tạo và tích trữ hoàn toàn, ngày một khiến vấn đề trở nên tồi tệ.
Tháng trước, Liên Hợp Quốc cho biết một nạn đói có thể xảy ra ở các khu vực khô hạn và bán khô hạn ở Kenya, bao gồm hạt Wajir. Đã có khoảng 2,4 triệu người phải vật lộn để tìm kiếm thức ăn trong tháng 11 – tăng so với con số 1,4 triệu người vào hồi đầu năm.
Zenab Kule, một người phụ nữ 25 tuổi đang mang thai 6 tháng nhưng suốt 4 tháng qua chỉ có ngô để ăn. Gia đình cô còn hai đứa con trai, một tuổi và hai tuổi, cũng chỉ ăn ngô và đang bị tiêu chảy.
Tiêu chảy là triệu chứng suy dinh dưỡng đầu tiên thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Chúng cũng rất dễ bị ốm, Kule nói. Cô lo sợ đứa con út của mình đang quá yếu vì nó mới chỉ vừa khỏi bệnh cúm.
Bản thân Kule cảm thấy dạo này thường mệt mỏi và tim đập nhanh. Đó có thể là biểu hiện của tình trạng mất nước. Trước cuộc sống ngày càng trở nên chật vật, Kule nói: “Hy vọng còn lại duy nhất của tôi là mong cho những cơn mưa mau đến”.
Nhưng những cơn mưa sẽ không đến
Tính tới thời điểm hiện tại, miền bắc Kenya đã có hơn 465.000 trẻ em và 93.000 phụ nữ mang thai và cho con bú bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Đây là hai nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong thời kỳ hạn hán.
Theo truyền thống của người bản địa, phụ nữ sẽ là những người chịu trách nhiệm đi lấy nước cho gia đình. Vào mùa mưa, những giếng nước có thể ở gần ngay trong làng. Nhưng trong mùa hạn, họ phải cuốc bộ hàng giờ đồng hồ mới có thể tới được nguồn nước.
Đã có những thống kê cho thấy quãng đường trung bình mà một người phụ nữ ở miền bắc Kenya phải đi bộ lấy nước trong mùa khô là 14 km. Trong khoảng thời gian đó, những đứa trẻ ở nhà sẽ không được bú mẹ. Mà bản thân người mẹ đã tiết ít sữa trong chế độ ăn chỉ có ngô, tất cả đang giống như một dãy domino sụp đổ khi mưa không rơi xuống.
Giám đốc Y tế hạt Wajir, Somow Dahir cho biết: “Số lượng trường hợp suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng và trung bình [ở phụ nữ mang thai, cho con bú và trẻ em] đã đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm qua”.
Đây là một tình huống nghiêm trọng bởi khoảng 200 khu định cư ở Wajir không hề có trung tâm y tế.
Trở lại với hi vọng về những cơn mưa, Gideon Galu, một nhà khí tượng và khoa học thực địa và tại Trung tâm Hiểm họa Khí hậu miền đông Châu Phi, cho biết: “Triển vọng có vẻ không khả quan”.
Galu giải thích rằng điều kiện khí hậu ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương – những yếu tố chính tạo ra mùa mưa ở Đông Phi – hiện giờ không thuận lợi. Theo dự đoán này, mùa mưa tiếp theo từ tháng 3 đến tháng 5 cũng sẽ không tới. Miền Đông Phi sẽ tiếp tục phải đối mặt với một đợt hạn hán kéo dài chưa từng có về thời gian cũng như mức độ nghiêm trọng.
Cách làng Biyamadow nửa giờ, người nông dân Aden Gidhayes và gia đình anh tại làng Benane đang tính toán lượng lương thực cho ngày mai. Gia súc, người lớn và cả những đứa trẻ sẽ tiếp tục ăn ngô. Trẻ em và gia súc thì được thêm một khẩu phần vào buổi sáng hoặc buổi tối.
“Nếu mưa không đến, động vật của chúng tôi sẽ chết, và tất cả chúng tôi cũng sẽ chết”, Gidhayes vừa nói vừa giơ năm ngón tay lên đếm số bò mà gia đình anh còn lại.
Tham khảo Businessinsider, Aljazeera
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị