‘Siêu’ dự án Vành đai 4 đi qua 3 tỉnh, thành phố: Hơn 16 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng
Với chiều dài 98 km và chiều rộng mặt cắt ngang trung bình là 120 m, dự án đường Vành đai 4 đi qua 3 tỉnh là Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên được đánh giá là phải giải phóng mặt bằng để có quỹ đất thi công rất lớn, dự tính có hơn 16 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng.
Đường cao tốc Vành đai 4 được thiết kế cầu cạn tương tự như đường trên cao nội đô Hà Nội. Ảnh: T.Đảng |
Sau khi 5 nhà đầu tư đề xuất được thực hiện dự án Vành đai 4 với kinh phí 94.000 tỷ đồng, UBND thành phố Hà Nội vừa yêu cầu các sở ngành có liên quan triển khai các bước tiếp theo, trong đó có thống nhất phương án giải phóng mặt bằng (GPMB), thời gian thực hiện dự án.
GPMB một lần để tránh “sốt” đất
Theo số liệu được tư vấn thiết kế tính toán, diện tích khảo sát là trên 1.400 ha, trong đó thành phố Hà Nội là 904 ha, tỉnh Bắc Ninh là 285 ha, tỉnh Hưng Yên là 277 ha. Đại diện các Sở TN&MT Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên cho biết, quỹ đất cần giải phóng thuộc khu dân cư khoảng 44 ha, đất trồng lúa 918 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 334 ha; các loại đất hỗn hợp khoảng 170 ha.
Từ thực tế triển khai đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố đại diện liên ngành Hà Nội gồm Sở TN&MT – KH&ĐT – Sở GTVT đề xuất tham mưu cho UBND thành phố nên GPMB dự án Vành đai 4 theo phương án “một lần”. “Phương án này có ưu điểm thuận lợi trong quản lý quỹ đất, phục vụ tốt công tác thi công mở rộng trong giai đoạn hoàn chỉnh tuyến đường theo quy hoạch”, đại diện liên ngành Hà Nội đánh giá.
Đề cập đến việc khảo sát số lượng hộ dân bị ảnh hưởng, phải tái định cư, đại diện liên ngành cho biết, có tổng cộng hơn 16.600 hộ dân, trong đó 1.997 hộ dân phải bố trí tái định cư để lấy mặt bằng thi công dự án.
Về kinh phí cho việc GPMB, tái định cư trên, theo tính toán của Tư vấn thiết kế, khoảng 24.200 tỷ đồng. Để các địa phương được giao khi GPMB chủ động triển khai theo tiến độ, nguồn vốn đầu tư này các Sở TN&MT Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên đề nghị ưu tiên sử dụng vốn ngân sách tại địa phương và ngân sách trung ương.
Thi công trong 7 năm
Thay vì chia dự án làm 7 đoạn và kêu gọi các nhà đầu tư tham gia từng đoạn với tổng mức đầu tư hơn 130 nghìn tỷ đồng như phương án UBND thành phố báo cáo ban đầu, tuyến đường Vành đai 4 vừa được nhà đầu tư – Tập đoàn Vingroup lập hồ sơ đề xuất chia làm 3 dự án thành phần để lập hồ sơ triển khai. Tổng mức đầu tư cho phương án này là hơn 94.000 tỷ đồng, giảm trên 36.000 tỷ đồng so với phương án trước đó.
Vành đai 4 sẽ lấy trọng tâm là đường cao tốc với tiêu chuẩn thiết kế vận tốc 100 km/h; tiếp đó là hệ thống đường song hành (đường gom) vận tốc thiết kế 60-80km/h. Đường cao tốc tại dự án có mặt cắt ngang rộng 6 làn xe; đường gom đô thị nằm song song hai bên; ngoài ra tuyến đường còn có hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và quỹ đất dự trữ mở rộng (có thể dành cho đường sắt đô thị trong tương lai). Tổng chiều rộng mặt cắt ngang toàn tuyến được tính toán rộng 120m.
Do chi phí đầu tư tuyến đường Vành đai 4 lớn, UBND thành phố Hà Nội đã có đề nghị các tỉnh thành nơi tuyến đường đi qua cùng chia sẻ trách nhiệm. Đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, các địa phương này đã có chủ trương sẽ cùng với thành phố “góp” vốn để làm đường Vành đai 4.
Về tiến độ triển khai dự án, Hội đồng thẩm định UBND thành phố Hà Nội vừa thống nhất với nhà đầu tư sẽ chia ra các mốc thời gian (giai đoạn) để thực hiện. Bao gồm: từ năm 2021 – 2022 chuẩn bị công tác lập hồ sơ đầu tư dự án; từ năm 2022 đến 2025 thực hiện GPMB; từ 2022 – 2026 thi công đường gom đô thị đi bằng; từ 2022 đến 2029 thi công đường cao tốc trên cao. Tổng thời gian thi công dự án 7 năm.
Nguồn: Báo xây dựng