Siết chặt quy chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe mobile home
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đang dự thảo thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô thay thế QCVN 09:2015. Trong đó quy định, mobile home được chính danh gọi là “Xe nhà ở lưu động” (Recreational Vehicle hoặc Motor Caravans: Mobile home).
Xây dựng QCVN cho dòng xe mobile home đang ngày càng phổ biến. (Ảnh minh hoạ)
Đây là loại xe ô tô chở người chuyên dụng, được thiết kế để đáp ứng không gian sống sinh hoạt cơ bản, bao gồm các thiết bị tối thiểu như không gian ngủ (có thể chuyển thành ghế ngồi), thiết bị bếp nấu ăn, thiết bị vệ sinh, bàn, ghế và kho/tủ chứa đồ. Các thiết bị này phải được bố trí chắc chắn vào khoang sinh hoạt của xe và thiết kế để dễ dàng tháo lắp và thay đổi công năng.
Dự thảo cũng quy định: “Số chỗ ngủ bố trí trong xe ở trạng thái không di chuyển phải đáp ứng được số người cho phép chở kể cả người lái.” Điều này có nghĩa là, nếu xe có chỗ ngủ thiết kế cho 2 người thì khi di chuyển cũng chỉ được chở tối đa 2 người. Chẳng hạn, như phượt thủ Trần Đặng Đăng Khoa (người đang đi vòng quanh thế giới gần 1 năm nay bằng xe ô tô tải nhỏ 2 chỗ ngồi Suzuki Blind Van được độ chế, biến nó như chiếc xe mobihome), dù cho phép chở 2 người, nhưng khi độ chế thành xe nhà ở lưu động chỉ còn 1 chỗ ngủ thì chỉ được phép chở 1 người.
Dự thảo về QCVN mới có khoảng 1.500 chữ quy định về yêu cầu riêng của mobihome, từ kỹ thuật, chỗ ngủ, thiết kế bàn ghế sinh hoạt, nấu nướng, nhà vệ sinh, phòng tắm, giường ngủ, hệ thống điện sinh hoạt độc lập với hệ thống điện của xe, có khả năng nối lưới chung khi đỗ xe, có thể lắp đặt pin mặt trời cung cấp năng lượng cho khu sinh hoạt, chữa cháy… Nói chung, theo quy chuẩn thì đó như một căn nhà nhưng là nhà rất nhỏ và di động, rày đây mai đó.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi mobile home dừng lại nghỉ ngơi, kết nối điện và cấp nước sẽ được thực hiện như thế nào và làm sao để xử lý chất thải khi bồn thải đầy? Một gia đình thường phượt bằng chiếc xe 7 chỗ độ chế nói rằng, có quy chuẩn kỹ thuật để đăng kiểm được mobile home của họ mới chỉ là bước đầu thành công, còn nhiều vấn đề phát sinh phía sau như kết nối điện và xử lý chất thải.
Thực tế tại Việt Nam chưa có quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường riêng cho loại xe này. Đại diện Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, từ nhiều năm nay, đơn vị này chưa phê duyệt hồ sơ thiết kế cải tạo nào liên quan đến xe mobile home.
Đối với dự thảo Thông tư ban hành QCVN về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô, cơ quan soạn thảo cho biết đã có sự tham khảo, học hỏi từ các quy định trên thế giới.
Tại nhiều quốc gia, việc cải tạo xe mobile home cần tuân theo các tiêu chuẩn an toàn và kỹ thuật được ban hành bởi cơ quan chức năng. Ở Việt Nam, theo Thông tư 85/2014/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Bộ Giao thông Vận tải (sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 41/2023/TT-BGTVT ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải về cải tạo xe cơ giới), phương tiện muốn được cải tạo phải làm hồ sơ thiết kế gửi Sở Giao thông Vận tải địa phương hoặc Cục Đăng kiểm Việt Nam để thẩm định. Tuy nhiên, hầu hết xe mobile home hiện nay đều tự ý cải tạo mà chưa được nghiệm thu thiết kế.
Với nhu cầu sử dụng xe mobile home ngày càng lớn, việc ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn cho loại xe này là rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho người sử dụng và bảo vệ môi trường.
Duy Trinh (t/h)