Sẽ triển khai xây dựng Sàn Giao dịch công nghệ quốc gia
Bộ KH&CN cho biết, hiện nay, cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian thị trường KH&CN đã hình thành và đi vào hoạt động. Số lượng sàn giao dịch công nghệ cũng có sự phát triển mạnh mẽ. Nếu như trước năm 2015, cả nước chỉ có 8 sàn giao dịch công nghệ thì giai đoạn 2015-2020 đã hình thành 20 sàn giao dịch công nghệ địa phương, 01 sàn giao dịch vùng Duyên hải Bắc bộ và 01 sàn giao dịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn thành lập.
Trong đó, tháng 11/2021, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia (Bộ KH&CN) đã vận hành Sàn giao dịch thông tin công nghệ và thiết bị. Từ khi thành lập đến nay, Sàn đã thực hiện các hoạt động tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ, hỗ trợ các bên có nhu cầu giao dịch công nghệ, tài sản trí tuệ từ chào mua, chào bán, ký kết, thực hiện giao dịch công nghệ, tài sản trí tuệ nhằm thúc đẩy thực hiện thành công các giao dịch chuyển giao công nghệ.
Sàn Giao dịch thông tin, công nghệ và thiết bị trực tuyến đã thu thập và chia sẻ đến các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong cả nước hơn 10 nghìn công nghệ, thiết bị chào bán và tìm mua; cơ sở dữ liệu về kết nối cung cầu công nghệ, thiết bị; cơ sở dữ liệu về chuyên gia KH&CN; bản tin thị trường KH&CN phục vụ doanh nghiệp và chuyên đề về thị trường KH&CN.
Giao diện Sàn công nghệ và thiết bị trực tuyến tại địa chỉ http://techmartvietnam.vn do Cục Thông tin KH&CN Quốc gia (Bộ KH&CN) vận hành.
Để tăng cường hiệu quả các hoạt động, thời gian qua, Sàn Giao dịch thông tin, công nghệ và thiết bị đã chủ động phối hợp kết nối và chia sẻ thông tin công nghệ, thiết bị và sản phẩm hàng hóa KH&CN với các Sàn Giao dịch công nghệ các tỉnh, thành phố như TP.HCM, Hải Phòng, Huế, Cần Thơ, Bắc Giang, Nam Định… Qua đó, góp phần tích cực vào việc phát triển thị trường KH&CN, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kết nối, chuyển giao công nghệ và thiết bị, thương mại hóa sản phẩm KH&CN cũng như kết quả nghiên cứu.
Đồng thời, bố trí không gian trưng bày hỗ trợ các doanh nghiệp giới thiệu và trình diễn các công nghệ, thiết bị và sản phẩm hàng hóa KH&CN; tổ chức các hoạt động xúc tiến, kết nối giao dịch thông tin, công nghệ và thiết bị tạo không gian kết nối cung – cầu nhằm hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có sản phẩm KH&CN có điều kiện, cơ hội quảng bá, trình diễn, giới thiệu với công chúng; tìm kiếm cơ hội hợp tác, chuyển giao công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ của doanh nghiệp trên thị trường.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ KH&CN, phần lớn các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN còn yếu về năng lực và còn thiếu vắng các tổ chức trung gian có uy tín đáp ứng nhu cầu thúc đẩy giao dịch công nghệ trong và ngoài nước, dẫn đến hoạt động kết nối cung – cầu về KH&CN chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1158/QĐ-TTg ban hành Chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030, Bộ KH&CN sẽ triển khai các giải pháp nhằm đầu tư, phát triển Sàn giao dịch thông tin, công nghệ và thiết bị thành Sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại Hà Nội.
Sàn Giao dịch công nghệ quốc gia được xây dựng theo hướng bổ sung và hoàn thiện các chức năng: Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp, dùng chung cho thị trường KH&CN bao gồm dữ liệu, thông tin về cung – cầu công nghệ, các kết quả nghiên cứu sẵn sàng chuyển giao, tài sản trí tuệ, các tổ chức trung gian, các chuyên gia tư vấn về thị trường KH&CN…; hỗ trợ các tổ chức trung gian thực hiện dịch vụ tư vấn, môi giới về thị trường KH&CN; liên kết các sàn giao dịch công nghệ vùng và địa phương.
Sàn cũng sẽ liên thông giữa thị trường KH&CN trong nước với thị trường quốc tế; hỗ trợ cung cấp thông tin về các yêu cầu, đề xuất, dự án cụ thể của các đối tác trong nước nhằm mục đích thu hút, sử dụng hiệu quả các chuyên gia trong và ngoài nước; hỗ trợ kết nối các đối tượng có khả năng và tiềm năng tham gia phát triển thị trường KH&CN trong và ngoài nước…
Bảo Lâm