Sẽ rót 124.619 tỷ đồng đầu tư thêm 9/12 đoạn cao tốc Bắc – Nam
Do khó khăn trong cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước và tính toán trên khả năng đáp ứng của hệ thống giao thông hiện có trong 7-10 năm tới, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội đầu tư mới 9 cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn tới năm 2025. Đây là 9 trong tổng số 12 đoạn cần làm để nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Trong 4 năm tới sẽ đầu tư hoàn thành thêm 9 đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Ảnh minh hoạ. |
Chính phủ vừa hoàn thiện Dự thảo Tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2) gửi Quốc hội.
Theo đó, để nối thông tuyến cao tốc Bắc – Nam cần đầu tư thêm 12 dự án thành phần, dài khoảng 729 km với số tiền là 154.527 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia khoảng 73.495 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Chính phủ cho hay, nguồn lực nhà nước khó khăn, nếu đầu tư ngay toàn bộ 12 dự án sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai đầu tư các dự án đường bộ cao tốc quan trọng quốc gia khác, như: Vành đai 4 vùng Hà Nội, vành đai 3 TPHCM, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, cao tốc TPHCM – Chơn Thành…
Chính phủ cũng đánh giá, tại khu vực miền Trung, do địa hình hẹp, đường bộ đã có Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển, đường sắt và quy hoạch đường sắt tốc độ cao. Với năng lực hiện nay có thể đáp ứng nhu cầu vận tải đến khoảng năm 2028.
Vì vậy, Chính phủ đề xuất giai đoạn 2021-2025 đầu tư hoàn thành 9/12 dự án thành phần với chiều dài 552 km. Với 3 đoạn cuối để thông toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam trước mắt ưu tiên giải phóng mặt bằng và chuyển tiếp đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 2026-2030.
Với phương án này, tất cả 9 dự án thành phần đều đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP), loại hợp đồng BOT. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 124.619 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước 61.628 tỷ đồng (gồm vốn đầu tư công trung hạn và vốn Quốc hội đồng ý bổ sung cho dự án) và 62.991 tỷ đồng vốn tư nhân (trong đó vốn tự có của nhà đầu tư chiếm 15% tương đương 9.448 tỷ đồng, còn lại huy động tín dụng).
Sau khi hoàn thành, 9 đoạn cao tốc mới sẽ đảm bảo nối thông với đường Hồ Chí Minh hiện có.
Góp ý cho dự thảo trên, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chiếm khoảng 15% tổng vốn nhà đầu tư huy động (9.448/62.991) là rất thấp. Như vậy, nguồn vốn của dự án phụ thuộc lớn vào tiền ngân sách và vốn vay, sẽ khó huy động được tín dụng. Thực tế, theo Ngân hàng Nhà nước, 3 đoạn BOT cao tốc Bắc – Nam đang triển khai dù vốn tự có của nhà đầu tư chiếm 20%, nhưng vẫn khó huy động vốn tín dụng. Vì vậy, đơn vị này để xuất tăng tỷ lệ nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, theo Ngân hàng Nhà nước, các dự án BOT giao thông có vốn đầu tư lớn, thời gian thu phí kéo dài, trong khi ngân hàng chủ yêu huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Thực tế, vừa qua các dự án BOT giao thông không đạt doanh thu so với phương án tài chính ban đầu và tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Đến hết tháng 6/2021, nợ xấu BOT, BT giao thông tăng gấp hơn 4 lần so với tỷ lệ nợ xấu chung cho vốn vay đối với nền kinh tế. Do vậy, các tổ chức tín dụng rất thận trọng trong việc xem xét tài trợ các dự án BOT giao thông mới.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng, dự án này áp dụng cơ chế mới của Luật PPP, như chia sẻ phần giảm doanh thu, không chỉ huy động vốn từ ngân hàng mà các nguồn tín dụng hợp pháp khác (phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán…) nên vẫn thu hút được vốn. Bên cạnh đó, Bộ GTVT đề xuất có cơ chế đặc thù trong thu hút vốn cho các dự án này, như tăng tỷ lệ tham gia của vốn nhà nước (hiện theo Luật PPP tỷ lệ này tối đa là 50% tổng vốn đầu tư).
Bộ GTVT cũng đề xuất, trường hợp triển khai các dự án PPP không thành công Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển đổi hình thức đầu tư, giống như các dự án giai đoạn trước.
9 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông dự kiến triển khai giai đoạn 2021-2025 gồm: Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng, Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Hoài Nhơn – Quy Nhơn, Quy Nhơn – Chí Thạnh, Chí Thạnh – Vân Phong, Vân Phong – Nha Trang, Cần Thơ – Hậu Giang, Hậu Giang – Cà Mau. 3 dự án thành phần ưu tiên giải phóng mặt bằng và thực hiện đầu tư hoàn thiện giai đoạn 2026 – 2030 gồm: Vũng Áng – Bùng, Bùng – Vạn Ninh, Vạn Ninh – Cam Lộ. |
Nguồn: Báo xây dựng