Sẽ không còn “lương chính thấp phụ cấp cao, sống lâu lên lão làng”
Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 của Quốc hội, từ ngày 1/7/2024 sẽ tiến hành cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27.
Theo đó, chính sách tiền lương mới sẽ được cải cách theo hướng bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng chế độ tiền lương mới. Theo đó, mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
Nghị quyết 27 sẽ gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi chung là phụ cấp theo nghề) áp dụng đối với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước (Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Toà án, Kiểm sát, Thi hành án dân sự, Thanh tra, Kiểm tra, Kiểm toán, Hải quan, Kiểm lâm, Quản lý thị trường,…).
Gộp phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.
Khi cải cách tiền lương cũng sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức); phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ); phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị – xã hội; phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản); phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Tiến Dĩnh – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, theo tinh thần Nghị quyết 27, xác định tiền lương là thu nhập chính, giá trị của sức lao động được đo bằng tiền lương.
Ông Dĩnh nêu những điểm bất hợp lý trong cơ cấu tiền lương trước đây đó là trong cơ cấu lương có nhiều loại phụ cấp.
“Trước đây lương thấp nhưng phụ cấp cao, có khi phụ cấp chiếm đến 70-80% thu nhập, phụ cấp cao hơn lương rất nhiều. Bởi, khi thấy lương thấp thì thêm các loại phụ cấp vào nên phụ cấp có khi còn cao vượt hơn cả lương”, ông Dĩnh nói và cho rằng phụ cấp không phản ánh đúng sức lao động mà phải là lương (lương phải chiếm 70%, phụ cấp không quá 30%).
Ông Dĩnh cho biết thêm, Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã xác định rất rõ về cơ cấu tiền lương mới.
Cơ cấu tiền lương mới sẽ bao gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
“Mức lương sau cải cách bằng hoặc cao hơn so với hiện hưởng, cho nên không cần quá băn khoăn về phụ cấp”, ông Dĩnh cho hay.
Theo ông Dĩnh, phụ cấp thâm niên hay những cái khác sẽ được tính toán để thiết kế lương theo vị trí việc làm, chức vụ lãnh đạo quản lý, quan điểm của Nghị quyết 27 đó là tiền lương mới không thấp hơn lương hiện hành.
Cùng với đó, khi cải cách tiền lương sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu), ông Dĩnh cho rằng việc này sẽ hóa giải được câu chuyện phụ cấp cao hơn lương và chuyện “sống lâu lên lão làng”, tiền lương sẽ được thiết kế theo vị trí việc làm.
Trao đổi thêm với Người Đưa Tin, ĐBQH Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) đánh giá đề án cải cách tiền lương chuẩn bị rất chu đáo, có đầy đủ cơ sở thực tiễn, khoa học, đảm bảo công bằng hợp lý. Một trong những nét nổi bật của cải cách tiền lương là được trả theo vị trí việc làm.
Về cách tính lương mới, ông Cừ cho rằng đảm bảo tính lương là tính đúng, tính đủ. “Trước đây, chúng ta thấy rằng một số cơ quan đơn vị, cá nhân lương thì thấp nhưng thưởng thì lớn, phụ cấp mang tính chất đặc thù đặc biệt cũng có gây xôn xao, chưa thể hiện được sự công bằng. Vì thế, cải cách tiền lương lần này chủ yếu được tính theo lương”, ông Cừ cho hay.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024. Trong đó có những chỉ đạo quan trọng liên quan đến cải cách tiền lương.
Nghị quyết nêu rõ, hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính Nhà nước trước ngày 31/3/2024; đồng thời xác định rõ trách nhiệm từng bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu để làm cơ sở thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.
Theo Người đưa tin
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu