Sáu giá trị cơ bản cấu thành Hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh
(Xây dựng) – Ngày 26/9, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh), tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học “Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh bền vững”.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký nêu sáu giá trị cơ bản cấu thành Hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh. |
Trên 200 địa biểu gồm các nhà khoa học, lãnh đạo chủ chốt từ tỉnh đến các huyện thị thành phố của Quảng Ninh đến dự, cùng trình bày 80 bài tham luận; và tọa đàm phản biện nhận diện các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh bền vững cho Quảng Ninh. Với mục tiêu tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, phát huy hơn nữa sức mạnh, giá trị văn hóa con người Quảng Ninh, tạo nguồn lực, động lực cho sự phát triển toàn diện của Quảng Ninh.
Tại Hội thảo khoa học nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho Quảng Ninh phát triển nhanh bền vững, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu, địa phương là vùng đất chứa đựng đậm đặc các trầm tích lịch sử, giàu bản sắc văn hóa, cốt cách riêng có của con người được hình thành nhờ sự quyện chặt của các yếu tố địa-chính trị, địa- kinh tế, địa – văn hóa, địa – quân sự, địa – tự nhiên, sinh thái.
Hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh là tổng thể những đặc trưng, thuộc tính, phẩm chất căn cốt nhất, khái quát cao nhất, có tính đại diện tiêu biểu của địa phương trên tất cả các mặt, lĩnh vực, từ thiên nhiên, văn hóa, xã hội, con người đến đặc điểm kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… được hun đúc, định hình từ điều kiện tự nhiên, từ kết quả quá trình lao động, đấu tranh để sinh tồn và phát triển của cộng đồng địa phương trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của vùng đất, có tính bao trùm, được đa số cộng đồng công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ bằng ý thức tự giác.
Quang cảnh Hội thảo. |
Về mặt ý nghĩa, hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh là sợi dây nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai, nên vừa có tính truyền thống, vừa có tính đương đại, mang hơi thở của thời đại và góp phần xác lập nên mục tiêu phát triển hay nói một cách khác, đây là “hệ đường ray” để xác định, gắn kết các định hướng lớn cho quá trình xây dựng, phát triển của tỉnh ở hiện tại và tương lai.
Hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh không phải là những mặt, những yếu tố giá trị tách rời mà luôn cần được xem xét một cách tổng thể trong mối quan hệ gắn kết chặt chẽ, hữu cơ giữa các giá trị đó và giữa các mặt cụ thể của chúng với nhau, bổ sung cho nhau, tương hỗ lẫn nhau, tạo thành nguồn lực nội sinh có tính hướng đích cho sự phát triển chung của tỉnh.
Hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh hình thành trên nền tảng thâu thái các giá trị phổ quát của quốc gia – dân tộc Việt Nam (tạo thành hệ giá trị quốc gia), bao gồm: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc, với các giá trị đặc trưng không thể pha lẫn của các yếu tố vùng, miền, khẳng định bản sắc địa phương, là niềm tự hào, tự tôn của cộng đồng các dân tộc anh em sinh sống trên mảng đất địa đầu vùng Đông Bắc của Tổ quốc, góp phần làm đa dạng hóa, giàu có thêm các giá trị phổ quát trong hệ giá trị quốc gia.Tựu chung gồm 6 giá trị cơ bản cấu thành Hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh.
Sáu giá trị cơ bản cấu thành Hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh: Một là, Thiên nhiên tươi đẹp; hai là, Văn hóa đặc sắc; ba là, Xã hội văn minh; bốn là, Hành chính minh bạch; năm là, Kinh tế phát triển; sáu là, Nhân dân hạnh phúc. Trong đó, về giá trị thiên nhiên tươi đẹp, Quảng Ninh như là một “Việt Nam thu nhỏ” do bao gồm toàn bộ các dạng cấu trúc địa lý: Biển, đảo, đồng bằng, trung du, đồi núi và biên giới với cảnh trí tươi đẹp, kỳ vĩ, hiền hòa, vô cùng sống động. Trên địa bàn tỉnh có trên 600 di tích lịch sử danh lam thắng cảnh được xếp hạng, nhiều cảnh quan có giá trị toàn cầu, đơn cử như vịnh Hạ Long đã ba lần được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
Hội thảo thu hút 80 nhà nghiên cứu văn hóa, nhà khoa học lớn trong nước trình bầy tham luận và những ý kiến tọa đàm phản biện, làm sáng tỏ các giá trị văn hóa con người Quảng Ninh. |
Tạo hóa đã ưu đãi ban tặng cho vùng đất Quảng Ninh nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có một không hai về địa mạo, địa chất và những di sản văn hóa – lịch sử… Thiên nhiên tươi đẹp, thuần khiết, bản thể nguyên sơ là tài sản, cũng là nguồn lực, động lực của tỉnh Quảng Ninh.
Về giá trị văn hóa đặc sắc, có thể thấy văn hóa bản địa của Quảng Ninh thể hiện sự giao thoa, hội tụ giữa văn hóa của nền văn minh sông Hồng và văn hóa biển, đảo ở biên cương Đông Bắc. Quảng Ninh có văn hóa biển; văn hóa công nhân mỏ; văn hóa đa dạng, đặc sắc của đồng bào các dân tộc; văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.
Về giá trị xã hội văn minh, từ cả trong truyền thống lẫn cuộc sống xã hội hiện đại, “xã hội văn minh” trở thành một giá trị của tỉnh Quảng Ninh, tiếp tục được xây dựng, không chỉ là văn minh xã hội, mà mở rộng ra trên nhiều lĩnh vực: Văn minh chính trị, văn minh kinh tế, văn minh sinh thái…
Về giá trị “Hành chính minh bạch”, tính đến năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã có 10 năm thực hiện đánh giá chỉ số cải cách hành chính và 6 năm đánh giá chỉ số đo lường sự hài lòng. Trong đó, Quảng Ninh có 6 năm liên tiếp (2017 – 2022) giữ vị trí Quán quân Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), 5 năm dẫn đầu Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), 4 năm dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) và 2 năm dẫn đầu vị trí xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
Đây là những kết Quảng Ninh đang đi đúng hướng để xây dựng một nền hành chính đạt các chuẩn mực quốc gia, quốc tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả… Những kết quả xây dựng nền hành chính đạt được, khẳng định rằng: “Hành chính minh bạch” đã thực sự trở thành một giá trị đặc trưng trong hệ giá trị của tỉnh. Đây là một giá trị đương đại, song sự ra đời của nó sâu xa vẫn có sự kế thừa, phát triển những nét giá trị, phẩm chất truyền thống của văn hóa, con người Quảng Ninh”.
Đối với giá trị phát triển kinh tế, một giá trị trong hệ giá trị tỉnh Quảng Ninh, điều đó có nghĩa là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh phải luôn nhất quán trong nhận thức và hành động, không ngừng tìm tòi, vượt khó để đưa nền kinh tế mạnh mẽ tiến lên về phía trước.
Về giá trị “nhân dân hạnh phúc”, Quảng Ninh định hình tiêu chí “nhân dân hạnh phúc” là một giá trị của tỉnh, mọi sự phấn đấu của tỉnh đều vì đích cuối là hạnh phúc của nhân dân, với mục tiêu phấn đấu nhân dân tỉnh Quảng Ninh thực sự được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, có thu nhập bình quân đầu người ở mức cao hơn hẳn so với mức trung bình của cả nước (GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 8.291 USD, gấp đôi bình quân chung của cả nước (cao nhất ở khu vực phía Bắc), ước năm 2023 đạt 9.469 USD, gấp 1,4 lần so với năm 2020). Tỉnh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả 3 cấp và về đích trước 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025… Quảng Ninh phấn đấu là một “vùng đất lành” và hạnh phúc để con người sống, làm việc, nghỉ ngơi, thụ hưởng và phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký, cùng các nhà khoa học lớn, các chuyên gia văn hóa đã thực tế thăm nơi phát tích thiền phái trúc lâm Yên Tử, tôn giáo giàu bản sắc dân tộc Việt Nam tại Uông Bí, Quảng Ninh. |
Như vậy, các giá trị “Thiên nhiên tươi đẹp – Văn hóa đặc sắc – Xã hội văn minh – Hành chính minh bạch – Kinh tế phát triển – Nhân dân hạnh phúc” là Hệ giá trị hợp trội được định hình dựa trên cơ sở địa phương hóa các giá trị tốt đẹp của quốc gia – dân tộc và nhân loại, tổng hợp hóa và nâng tầm các giá trị riêng lẻ của văn hóa, con người Quảng Ninh, làm thành bản sắc, cốt cách riêng có, trở thành tầm nhìn phát triển địa phương.
Nguồn: Báo xây dựng