Sau công điện của Thủ tướng, kỳ vọng bất động sản tiếp cận vốn dễ hơn

Bất động sản khi được “bơm” tiền; doanh nghiệp được “tiếp máu” bằng vốn ngân hàng, dòng tiền sẽ lưu thông tốt; nền kinh tế sẽ phát triển tốt hơn.

Bên cạnh vướng mắc về pháp lý, thị trường bất động sản hơn một năm qua còn gặp khó khi dòng vốn bị ‘thắt’. Chính phủ đã liên tục có những nhiều cuộc họp, chỉ đạo nhằm gỡ vướng cho thị trường.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 993 chỉ đạo tới từng bộ ngành liên quan với nhiều giải pháp để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững

Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản; có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất.

Cùng với đó, cắt giảm các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, tốn kém để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn. Có chính sách khuyến mại tín dụng đặc biệt dành cho các dự án bất động sản khả thi, tiến độ triển khai nhanh, tạo động lực cho tăng trưởng và thúc đẩy thị trường.

Doanh nghiệp bất động sản cảm thấy rất mừng, kỳ vọng cả người mua nhà và doanh nghiệp được tiếp cận dòng vốn dễ hơn, mức lãi suất tốt hơn.

Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc, đánh giá đó là sự nỗ lực của Chính phủ để khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ thị trường bất động sản trong bối cảnh nguồn vốn bị bó hẹp, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao.

Sau công điện của Thủ tướng, kỳ vọng bất động sản tiếp cận vốn dễ hơn
Bất động sản kỳ vọng được khơi thông nguồn vốn, doanh nghiệp và người mua được vay lãi suất thấp hơn, sau công điện của Thủ tướng. (Ảnh: Hoàng Hà)

Ông cho hay, từ đầu năm đến nay Chính phủ cũng đã rất nỗ lực để giải quyết bài toán nguồn vốn, dù đã có sự cải thiện nhưng chưa thực sự rõ nét. Nay Thủ tướng tiếp tục có công điện chỉ đạo với nhiều giải pháp về nguồn vốn sẽ tốt cho cả doanh nghiệp và người mua nhà. Điều này kỳ vọng, thị trường bất động sản cuối năm sẽ cải thiện về thanh khoản.

“Người mua nhà thời gian qua dù vay được ngân hàng để mua nhà nhưng điều kiện vay vẫn còn khó khăn, lãi suất vẫn ở mức cao 9 – 10%. Còn với doanh nghiệp, mức lãi suất 11 – 13% là khá cao”, ông Quyết nêu thực tế.

Vị này cho hay, với doanh nghiệp, nhu cầu vay vốn luôn luôn cần thiết, khi thị trường khó khăn, doanh nghiệp lại càng có nhu cầu vay vốn hơn. Tuy nhiên, thời điểm này điều kiện bị thắt chặt, lãi suất cao nên không dám vay vốn nhiều để mở rộng hoạt động kinh doanh; chỉ vay để duy trì hoạt động.

Ông Quyết cho rằng, dù Thủ tướng đã chỉ đạo nhưng việc đẩy nhanh tiến độ như thế nào lại phụ thuộc vào các ngân hàng.

“Hy vọng chỉ đạo của Thủ tướng sẽ giúp các ngân hàng đẩy nhanh tiến độ cho vay, giúp người mua và chủ đầu tư tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Để giúp thị trường khơi thông, có giao dịch, các ngân hàng không nên quá thận trọng, khắt khe trong việc cho vay vốn với người mua nhà. Đặc biệt, lãi suất cho vay nên duy trì ở mức vừa phải, có thể quanh mức 8 – 8,5%/năm, bởi lãi suất huy động đầu vào hiện khá thấp.

Còn với các doanh nghiệp có chỉ số an toàn tốt ngân hàng vẫn nên xem xét cho vay, giảm bớt điều khoản định giá tài sản, điều kiện thế chấp dễ dàng hơn. Hay với các dự án đủ điều kiện bán hàng, ngân hàng cũng nên cho vay. Ngân hàng thận trọng quá dẫn đến tình trạng thừa vốn”, ông Quyết nói.

Còn ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cho hay, chủ trương giảm lãi suất cho vay của Chính phủ, NHNN đã có từ tháng 2/2023. Tuy nhiên, mức giảm thực tế dù chưa như kỳ vọng nhưng cũng đã đưa từ mức 15% thời điểm cuối năm 2022, xuống mức 11 – 11,5%/năm vào đầu quý IV/2023.

“Kỳ vọng sau chỉ đạo của Thủ tướng sẽ là thời điểm phù hợp để điều chỉnh lãi suất cho vay xuống nữa, khoảng 10,5%/năm. Với những gói cho vay cố định thời hạn 12 hoặc 24 tháng có thể sẽ rơi vào khoảng 7,5 – 8%/năm cố định trong 12 tháng; hoặc 8 – 9%/năm cố định trong 24 hoặc 36 tháng”, ông Quê cho hay.

Bên cạnh đó, ông Quê cũng kỳ vọng điều kiện cho vay sẽ được “nới” hơn. Từ đó, ngân hàng giải ngân được tiền, cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận được vốn.

“Không chỉ bất động sản, dòng tiền của nền kinh tế đang khó khăn, bất động sản là ngành nghề quan trọng liên quan đến nhiều ngành nghề khác. Do đó, cần “bơm” một lượng tiền ra thị trường, đồng thời giúp lưu thông dòng tiền. Bất động sản khi được ngân hàng “bơm” tiền; doanh nghiệp được “tiếp máu” bằng vốn ngân hàng, dòng tiền sẽ lưu thông tốt hơn; nền kinh tế sẽ phát triển tốt hơn”, ông Quê phân tích.

Cũng đánh giá những giải pháp, chỉ đạo Chính phủ đưa ra sẽ có tác động rất tốt tới thị trường bất động sản, tuy nhiên chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, giá bất động sản cần phải giảm hơn nữa bởi giá đã tăng quá cao so với trước đây.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích