Sát cánh cùng doanh nghiệp vượt khó
Thực hiện tốt cơ chế đối thoại
Theo đó, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương đã xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, luôn đồng hành với DN, tăng cường hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn của DN.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Tổ trưởng Tổ nắm tình hình hoạt động, SXKD của DN cho biết, Sở đã làm việc các hiệp hội, DN trên địa bàn, tổ chức nắm tình hình hoạt động của các DN một cách cụ thể. Cụ thể, là thành viên của Tổ công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN của tỉnh, trong quá trình giải quyết các nhiệm vụ được giao, Sở Công Thương kịp thời báo cáo hàng tuần về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Tỉnh ủy giải quyết, đặc biệt trên các lĩnh vực như xăng dầu, đầu tư hạ tầng cấp điện, điện mặt trời mái nhà, đầu tư hạ tầng chợ…
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương tiếp Đoàn khảo sát Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) tại Bình Dương. |
Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cũng thường xuyên chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh. Ngoài ra để triển khai các chương trình, kế hoạch của ngành theo hướng đồng bộ, Sở Công Thương đã làm việc với UBND các thành phố, huyện, thị trên địa bàn tỉnh nhằm triển khai nhiệm vụ của ngành. Qua đó, nắm được tình hình hoạt động của DN cũng như khó khăn, vướng mắc của địa phương, điều chỉnh các kế hoạch, chương trình phù hợp với tình hình chung.
“Đối với các DN nhỏ và vừa, Sở Công Thương tăng cường vai trò quản lý Nhà nước đối với các hiệp hội, ngành hàng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các hiệp hội. Hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tiến quy trình sản xuất. Triển khai mạnh mẽ công tác chuyển đổi số cho các DN, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật trong hoạt động SXKD”, bà Nguyễn Thanh Hà cho biết.
Song song đó, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cũng đã chủ động phát triển các dịch vụ hỗ trợ DN trong việc tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực SXKD. Hỗ trợ DN tận dụng các cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua hướng dẫn áp dụng quy tắc xuất xứ, cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi để khai thác các cơ hội.
Trước đó, nhằm tìm kiếm thị trường cho các DN, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cũng đã tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài, củng cố, phục hồi các thị trường xuất khẩu truyền thống của tỉnh (thị trường Âu – Mỹ, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Quốc…); mở rộng, đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu mới như Ấn Độ, Canada, khu vực châu Mỹ Latinh, Trung Đông… Phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư duy trì hoạt động tổ chức hội nghị xúc tiến, tìm hiểu thông tin thị trường xuất khẩu định kỳ 1 lần/tháng cho các hiệp hội, DN thông qua Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Tuy vậy, các DN mong muốn ngành công thương với chức năng của mình tiếp tục tổ chức kết nối giúp các DN trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các DN FDI, nhất là DN lớn toàn cầu, tham gia vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.
Xây dựng môi trường thuận lợi
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết, để tập trung hỗ trợ tốt việc đầu tư, phát triển hạ tầng năng lượng, Sở đã làm việc với các đơn vị tiếp tục triển khai cải tạo, đầu tư phát triển lưới điện trung thế và trạm biến áp theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016-2025, xét đến năm 2035 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Sở đang tập trung hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng, tiến độ các công trình, dự án điện, bàn giao và đưa vào sử dụng.
Tính trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương đã phối hợp với các sở, ban ngành khác hỗ trợ DN tham gia 4 chương trình xúc tiến thương mại trong nước tại các tỉnh, thành. Phối hợp Sở Ngoại vụ tổ chức chương trình xúc tiến, đầu tư và thương mại với các đối tác Singapore tại tỉnh với sự tham gia của 90 DN. Tổ chức hội nghị giao thương xúc tiến đầu tư, thương mại với thị trường Ấn Độ… Sở Công Thương đã thẩm định và phê duyệt được 7 kế hoạch, đề án khuyến công với tổng kinh phí thực hiện hơn 2 tỷ đồng.
Để tạo thuận lợi cho người dân và DN, hiện UBND tỉnh Bình Dương đang thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số; bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch và thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tin học hóa xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp; triển khai Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu ngành công thương giai đoạn 2, kế hoạch chuyển đổi số ngành công thương giai đoạn 2021-2025… hoàn thiện và triển khai hiệu quả các phương án phát triển của ngành tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2050; tham mưu triển khai Đề án di dời, chuyển đổi công năng các DN nằm ngoài khu, cụm công nghiệp phía nam.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,76% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 5,97%). Trong đó: Công nghiệp – xây dựng tăng 2,94%; dịch vụ tăng 5,9%; nông nghiệp và thủy sản tăng 3,28%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,62%. Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 của Bình Dương gặp nhiều khó khăn, mặc dù DN đã chủ động thay đổi phương thức tiếp cận, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới nhưng số lượng và quy mô đơn hàng giảm mạnh. Chỉ số công nghiệp ước tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 8,35%); trong đó: Công nghiệp khai khoáng giảm 2,2%; công nghiệp chế biến tăng 2,8%; sản xuất phân phối điện, khí đốt giảm 4,5%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 2,2%.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2023, UBND tỉnh Bình Dương đề nghị các cấp, các ngành tổ chức tiếp xúc, làm việc trực tiếp với từng hiệp hội, DN, từng dự án để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Nghiên cứu giải pháp khơi thông, kích cầu tiêu dùng góp phần tiêu thụ hàng hóa do DN trong tỉnh sản xuất đang gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu. Đẩy nhanh tiến độ mở rộng các Khu công nghiệp và đầu tư mới các Cụm công nghiệp theo quy hoạch; hoàn thiện chính sách di dời DN từ các địa phương phía Nam lên các khu, cụm công nghiệp ở các địa phương phía Bắc.
Thành Đồng
Nguồn: Báo lao động thủ đô