Sắp xếp, xử lý tài sản công: Tiếp tục gỡ vướng chính sách

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công nhằm thay thế Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ. Hội nghị là diễn đàn để Bộ Tài chính tiếp tục lắng nghe, lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương nhằm tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, về phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Nghị định kế thừa của Nghị định 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP là 3 loại tài sản công phải sắp xếp lại, xử lý gồm: Đất, nhà, công trình khác gắn liền với đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; xe ô tô; máy móc, thiết bị và tài sản công khác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Tuy nhiên, đối với tài sản công là xe ô tô, máy móc, thiết bị và tài sản công khác, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương; đồng thời để đảm bảo tránh trùng lặp trong các chính sách, tại khoản 2 Điều 1 dự thảo quy định: Đối với tài sản công là xe ô tô, máy móc, thiết bị và tài sản công khác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công được cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện rà soát, đối chiếu giữa tài sản hiện có với tiêu chuẩn, định mức và nhu cầu sử dụng tài sản;

Trường hợp tài sản hiện có phù hợp với tiêu chuẩn, định mức và nhu cầu sử dụng thì được giữ lại tiếp tục sử dụng; trường hợp dôi dư, không còn nhu cầu sử dụng hoặc đủ điều kiện thanh lý thì việc quyết định xử lý và tổ chức xử lý tài sản được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ; không thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

Sắp xếp, xử lý tài sản công: Tiếp tục gỡ vướng chính sách
Quản lý tài sản công về nhà, đất do nhà nước quản lý đang có cách hiểu chưa thống nhất hoặc có sự chồng lấn pháp luật (Ảnh minh họa: BT).

Sau khi hoàn thành việc xử lý tài sản, cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện cập nhật thông tin biến động về tài sản vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công theo quy định của pháp luật.

Về phạm vi nhà, đất thực hiện và không thực hiện sắp xếp, Dự thảo kế thừa việc xác định phạm vi nhà, đất phải thực hiện sắp xếp và không phải thực hiện sắp xếp đã được quy định tại Nghị định 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP đến nay vẫn còn phù hợp.

Đồng thời, trên cơ sở rà soát thực tế vướng mắc về phạm vi sắp xếp nhà, đất thời gian qua tại Nghị định 67/2021/NĐ-CP, quá trình tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và rà soát pháp luật có liên quan mới được ban hành, dự thảo Nghị định quy định cụ thể, rõ hơn phạm vi của nhà, đất không phải thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý gồm 13 trường hợp, do nhà, đất này đã được điều chỉnh bởi các pháp luật có liên quan.

Đồng thời, tại dự thảo Nghị định cũng quy định nguyên tắc xác định đối với một số trường hợp cụ thể trong thực tế thời gian qua còn có cách hiểu chưa thống nhất, hoặc có sự chồng lấn pháp luật như: Nhà, đất do doanh nghiệp quản lý, sử dụng mà doanh nghiệp đó có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

Nhà, đất đang sử dụng để góp vốn, liên doanh, liên kết theo đúng quy định của pháp luật; đất, nhà gắn liền với đất mà đất đó đã hết thời hạn giao đất, cho thuê đất; nhà, đất đang trong quá trình tố tụng, thi hành án, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; cơ sở nhà, đất bị lấn, chiếm; cơ sở nhà, đất do doanh nghiệp quản lý, sử dụng mà đất hoặc nhà không thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý; cơ sở nhà, đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng mà đất hoặc nhà hoặc một phần diện tích nhà, đất hoặc một phần diện tích đất hoặc một phần diện tích nhà thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý.

“Đây là một Nghị định rất khó và quan trọng, Bộ Tài chính đã tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương trên tinh thần cầu thị, vì mỗi ý kiến của các bộ ngành, địa phương đều xuất phát từ thực tiễn, nắm rõ các vướng mắc phát sinh khi triển khai thực hiện xử lý lại, sắp xếp tài sản công. Đây đều là các ý kiến tâm huyết cần được nghiên cứu một cách thấu đáo. Trên cơ sở giải trình, tổng hợp tiếp thu, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định lần 3 để tiếp tục lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương tại hội nghị hôm nay”, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết.

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích