Sắp hết thời “cò đất”?

Theo Bộ Xây dựng, hiện Luật Kinh doanh BĐS vẫn chưa yêu cầu chặt chẽ đối với các nhân viên hành nghề môi giới, không nhất thiết yêu cầu họ phải có chứng chỉ do tổ chức nghề đào tạo. Vì thế dẫn đến tình trạng các nhân viên môi giới thực hiện trục lợi, lừa đảo, lách luật, trốn thuế, mua bán chụp giật khó kiểm soát.

Đặc biệt, với cá nhân hoạt động môi giới BĐS (cò đất) có hai xu hướng hoạt động kinh doanh: một là ăn theo các sàn giao dịch BĐS để lấy thông tin, làm cộng tác viên hoặc môi giới thứ cấp. Hai là tự đi khai thác nguồn thông tin sản phẩm có nhu cầu bán và chủ yếu là nhà, đất ở có sẵn để môi giới cho khách hàng có nhu cầu mua.

“Mục tiêu của họ chỉ là làm cách nào bán được sản phẩm nhanh và hiệu quả nhất, thường không có trách nhiệm với khách hàng, người tiêu dùng đối với các sản phẩm họ đã môi giới”, theo nội dung văn bản của Bộ Xây dựng.

Vì thế, dự thảo đưa ra hướng sửa đổi bổ sung quy định phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS.

Theo lý giải của Bộ Xây dựng, khoảng 80% BĐS giao dịch thành công đều thông qua môi giới. Tuy nhiên, đội ngũ môi giới BĐS hoạt động thiếu chuyên nghiệp, thiếu kiến thức pháp luật căn bản trong lĩnh vực này còn thấp gây thiệt hại cho khách hàng, dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài gây mất trật tự an ninh xã hội.

BDS-phia-Bac-7992-1635303459.jpg
 

Mặt khác, do một số quy định pháp luật về quản lý hoạt động môi giới hiện nay còn khá lỏng lẻo dẫn đến tình trạng các tổ chức, cá nhân môi giới có cơ hội lách luật, trốn thuế.

Thực tế, cũng có nhiều công ty đã phải bỏ ra không ít tiền để tổ chức cho nhân viên môi giới (còn gọi là sale BĐS) từ tập huấn các kỹ năng, học kiến thức pháp luật cho đến văn hóa giao tiếp đến tổ chức những buổi đào tạo training từ cơ bản đến nâng cao, ví dụ như tác phong ăn mặc, phục vụ khách hàng chuyên nghiệp, kiến thức thị trường chuyên sâu để giúp khách hàng được trải nghiệm các phục vụ tốt nhất.

Tuy nhiên, không có nhiều doanh nghiệp chú trọng đào tạo cho môi giới BĐS. Thực tế thời gian qua, một số môi giới BĐS tự phát không chuyên tham gia vào các đợt thổi giá đất khiến cơn sốt đất lan rộng khắp cả nước. Nhiều địa phương đã phải ban hành văn bản chấn chỉnh hoạt động mua bán BĐS nóng nhưng môi giới BĐS không trong danh sách Sở Xây dựng quản lý.

Nhìn lại hàng loạt đợt sốt đất gần đây như tháng 3/2019, sốt đất tại khu dự án sân bay Thiện Nghiệp – Phan Thiết, rồi tháng 3/2020, sốt đất khu Bình Ba, Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu với lời đồn VinGroup đầu tư, đến tháng 3/2021 sốt đất tại Hớn Quản, Bình Phước với lời đồn dự án sân bay… chuyên gia BĐS Nguyễn Duy Thành cho rằng: “Tất cả đều có sự giúp sức của môi giới BĐS tự do”. Cũng theo ông Thành, khi cơn sốt đất đi qua đã để lại hậu quả đó là gây ra sự rối loạn về thị trường tại địa phương, gây mất an ninh trật tự và rất nhiều người bị mất tiền vì tin lời môi giới. Trong khi những người môi giới này chỉ tập trung vào vấn đề kiếm lợi nhuận từ hợp đồng môi giới chứ không chịu trách nhiệm phía sau của dự án” .

Cho rằng với dự thảo này sẽ góp phần khơi trong vẹn đồ cho thị trường BĐS, giúp cho ngành môi giới BĐS được chính quy hơn, chuyên nghiệp hơn, góp phần bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, nhiều doanh nghiệp BĐS cũng khuyến cáo tất cả giao dịch nên tiến hành qua sàn giao dịch BĐS Việt Nam vì các sàn giao dịch uy tín, sự chuyên nghiệp và vận hành theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước. Vì thế, thông tin được đưa ra rõ ràng, minh bạch về thông tin thị trường, về chủ đầu tư, về sản phẩm, về pháp lý và đặc biệt là các chính sách bán hàng.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến ủng hộ, đề xuất quy định của Bộ Xây dựng mới đây cũng có không ít ý kiến bày tỏ sự băn khoăn như chính sách nên tiếp cận dưới góc độ tìm cách quản chứ đừng cố gắng cấm vì có cấm cũng không thực sự khả thi. Cái gì cũng có hai mặt. Môi giới hoạt động độc lập cũng có người tốt người xấu. Doanh nghiệp hoạt động môi giới cũng có doanh nghiệp uy tín, doanh nghiệp làm ăn chụp giựt, thậm chí hậu quả gây ra còn gấp hàng trăm, hàng nghìn lần so với môi giới độc lập. Do đó, không thể “vơ đũa cả nắm” cho rằng môi giới hoạt động độc lập là thiếu chuyên nghiệp, lừa lọc.

Cũng có nhiều môi giới độc lập là các nhân viên từng trải trong các doanh nghiệp môi giới. Họ có kinh nghiệm, kiến thức và mối quan hệ nên muốn tự phát triển nghề nghiệp chứ không chịu gò bó như ở công ty. Mặt khác, nhiều khách hàng lại thích cộng tác với môi giới độc lập bởi sự tin tưởng và tính linh hoạt hơn trong công việc.

Để ngăn chặn tình trạng sốt đất ảo, những người hoạt động môi giới theo kiểu “cò” thổi giá thì trách nhiệm quản lý, giám sát địa bàn của các địa phương đóng vai trò quyết định hơn. Giải pháp hài hòa là một mặt tăng cường tuyên truyền, đào tạo cơ bản cho lực lượng môi giới hoạt động độc lập để họ hiểu và tuân thủ. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện quy định xác định các hành vi vi phạm để có chế tài xử lý nghiêm.

Copy Link

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích