Sắp diễn ra Triển lãm Vietstock 2023
Ngày 26/9 tại Hà Nội, diễn ra buổi họp báo Vietstock 2023 – Chăn nuôi Việt Nam hội nhập mạnh vào thị trường quốc tế với sự chủ trì của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đại diện đơn vị tổ chức và các cơ quan báo đài.
Vietstock là triển lãm đầu ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản và chế biến thịt tại Việt Nam, thuộc chuỗi triển lãm chăn nuôi tại khu vực châu Á. Với gần 20 năm tổ chức, Vietstock đồng hành cùng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi Cục chăn nuôi và thú y các tỉnh cùng các tổ chức hiệp hội: Hội chăn nuôi Việt Nam (AHAV), Hiệp hội chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam (VINARUHA), Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), Hội nghề cá Việt Nam (VINAFIS)… mang đến bức tranh toàn cảnh chăn nuôi Việt Nam.
Chăn nuôi là lĩnh vực mũi nhọn của nông nghiệp Việt Nam, ngành luôn đạt mức tăng trưởng ổn định trong những năm qua, chiếm hơn một phần tư tỷ trọng (27%) trong đóng góp GDP chung toàn ngành trong nửa đầu năm 2023.
Năm 2022, ngành chăn nuôi Việt Nam nói riêng ghi nhận sự phát triển năng động, lợi nhuận đạt 21 tỷ đô la, tương đương với mức tăng trưởng từ 5% đến 6 % so với năm 2021.
Sự phát triển vượt bậc về kinh tế – xã hội Việt Nam trong thời gian qua đã mang lại nhiều cơ hội bứt phá cho ngành chăn nuôi. Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 7 toàn cầu về tốc độ gia tăng tầng lớp trung lưu, đạt 50 triệu người vào năm 2030. Với dân số trẻ, tỷ lệ đô thị hoá cao và thu nhập của người dân tăng mỗi năm tại cả khu vực nông thôn và đô thị, đem lại cơ hội phát triển cho ngành chăn nuôi và chế biến thức ăn.
Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do được ký kết trong những năm gần đây giữa Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đã mở đường cho các sản phẩm ngành chăn nuôi trong nước tham gia vào những thị trường có mức tiêu thụ cao. Với sự quan tâm và hỗ trợ ngày càng tích cực từ chính phủ cũng như sự phát triển của công nghệ, ngành chăn nuôi Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 4% đến 5% vào năm 2025 và 3% đến 4% trong giai đoạn từ 2026 tới 2030.
Tuy nhiên, hiện nay, ngành chăn nuôi Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn: Thứ nhất, phụ thuộc vào nguyên liệu chăn nuôi nhập khẩu. Việt Nam nhập khẩu khoảng 22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mỗi năm, tương đương 60% nhu cầu toàn ngành.
Sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu này là điểm yếu của ngành chăn nuôi khi tình hình kinh tế, chính trị thế giới đang trải qua giai đoạn có nhiều biến động phức tạp và khó lường.
Thứ hai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Biến đổi khí hậu. Thiên tai, lũ lụt và các hình thái thời tiết cực đoan xảy ra liên tục trong những năm gần đây đang ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động sản xuất chăn nuôi. Bên cạnh đó, dịch bệnh đã gây ra vấn đề “sản xuất được nhiều nhưng xuất khẩu rất ít” đổi với ngành chăn nuôi, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đang là một trong những giải pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất quan tâm và đầu tư thực hiện.
Vietstock thấu hiểu thị trường cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi Việt Nam. Triển lãm Vietstock 2023 được tổ chức đồng thời cùng Triển lãm AQUACULTURE VIETNAM 2023, đây sẽ là điểm đến toàn diện của ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản và chế biến thịt.
Triển lãm Vietstock 2023 với sự tham gia của hơn 350 đơn vị, dự kiến thu hút hơn 11.000 khách tham quan chuyên ngành đến từ hơn 30 quốc gia vùng lãnh thổ.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu