Sắp đánh giá cuốn chiếu thuốc molnupiravir chống Covid-19
Marco Cavaleri, người đứng đầu chiến lược vaccine của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết: “Những ngày tới, chúng tôi sẽ xem xét liệu có nên bắt đầu đánh giá cuốn chiếu loại thuốc này hay không. Tất nhiên, mục tiêu là tìm hiểu xem dữ liệu có đủ để hỗ trợ quá trình đánh giá cuốn chiếu hay không”.
Cavaleri cho biết EMA đã nắm được “một số kết quả hàng đầu đang được công ty đưa ra” về molnupiravir, trong khi Merck cho hay họ có kế hoạch nộp đơn xin cấp phép sử dụng loại thuốc này lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), cùng các cơ quan quản lý khác trên toàn thế giới.
Đại diện Merck cho biết, thuốc molnupiravir có tác dụng giảm gần 50% nguy cơ nhập viện và tử vong vì Covid-19, sau khi phân tích thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với 775 bệnh nhân. Theo quy trình đánh giá cuốn chiếu, EMA có thể đẩy nhanh phê duyệt thuốc bằng cách xem xét dữ liệu an toàn và hiệu quả có sẵn, thay vì chờ đợi đến khi nhà sản xuất chính thức nộp đơn xin cấp phép. Việc phê duyệt có thể mất vài tháng.
EU có thể sẽ đánh giá cuốn chiếu thuốc molnupiravir để tăng tốc phê duyệt. Ảnh minh họa
Theo hãng tin Reuters, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á đang muốn mua loại thuốc trị Covid-19 tiềm năng sau khi đi sau các nước phương Tây trong việc mua vắc xin. Theo đó, ngoài Thái Lan còn có Hàn Quốc, Đài Loan và Malaysia đang đàm phán để mua thuốc Molnupiravir của hãng Merck. Trong khi đó, Philippines – quốc gia đang tiến hành thử nghiệm loại thuốc này cho biết họ hy vọng nghiên cứu trong nước sẽ cho phép sớm tiếp cận phương pháp điều trị. Australia hôm qua thông báo đặt mua 300.000 liều molnupiravir.
Reuters cho hay, tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên đều từ chối cung cấp thông tin chi tiết về các cuộc đàm phán mua bán. Hãng thông tấn Kyodo News đưa tin, Bộ Y tế Nhật Bản đang đàm phán với Merck để mua thuốc viên kháng virus, nhằm sử dụng cho người mắc các triệu chứng nhẹ của Covid-19.
“Một loại thuốc uống có thể dùng tại nhà cho người có triệu chứng nhẹ có thể được phát triển vào cuối năm nay, và chúng tôi đang đàm phán để sử dụng loại thuốc này ngay sau khi nó được phê duyệt”, cựu Thủ tướng Yoshihide Suga nói trong một cuộc họp báo vào tuần trước.
Còn Hãng tin AFP đưa tin, về kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối thuốc viên kháng virus của Merck và đối tác Ridgeback Therapeutics, thử nghiệm đánh giá dữ liệu của 770 bệnh nhân, gần một nửa trong số này dùng molnupiravir trong 5 ngày, trong khi số còn lại dùng giả dược.
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế mới đây cảnh báo tình trạng các loại thuốc như kháng virus molnupiravir, liên hoa thanh ôn… quảng cáo điều trị Covid-19 trái phép trên mạng xã hội. “Các thuốc này chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành, gắn mác hàng ‘xách tay’ hoặc thuốc đang trong thời gian thử nghiệm lâm sàng, được rao bán với giá vài triệu đồng một hộp”, Cục Quản lý Dược thông tin ngày 29/9. Lực lượng chức năng gần đây cũng liên tiếp bắt giữ nhiều lô thuốc quảng cáo trái phép điều trị Covid-19, tại Hà Nội và TP.HCM, đều không có nguồn gốc, chứng từ. Bộ Y tế ghi nhận khi một vài loại thuốc được đưa vào phác đồ điều trị thì xuất hiện tình trạng rao bán trên mạng càng nhiều. Trong đó, nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo có tác dụng phòng, trị Covid-19, đã bị Bộ Y tế thu hồi. “Phải xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh lưu hành thuốc điều trị Covid-19 nói chung và thuốc có dược chất molnupiravir nói riêng vì ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, điều trị bệnh”, theo văn bản Cục Quản lý Dược gửi các đơn vị liên ngành. Molnupiravir là thuốc kháng virus hiện được Bộ Y tế cấp phát miễn phí cho F0 điều trị tại nhà. Thuốc hiện trong quá trình thử nghiệm, chưa được bán trên thị trường. |
An Dương (T/h)