Sắp có quy chuẩn về thu gom, xử lý các chất được kiểm soát

Dự thảo quy định về: yêu cầu kỹ thuật đối với các hoạt động thu gom, vận chuyển, lưu giữ, đánh giá chất lượng chất được kiểm soát; tái sử dụng, tái chế, xử lý chất được kiểm soát (trình tự, nhận dạng, đánh giá chất lượng) và trách nhiệm của các doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động nêu trên. Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có hoạt động thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng, xử lý các chất được kiểm soát; nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng các thiết bị, hệ thống lạnh và điều hòa không khí có chứa chất được kiểm soát.

Nói về sự cần thiết phải ban hành quy chuẩn này, Bộ TN&MT cho biết, hiện nay, nhu cầu của ngành lạnh và điều hòa không khí đang gia tăng nhanh chóng ở các nước đang phát triển do những đóng góp đáng kể trong lĩnh vực thực phẩm, y tế, năng lượng và môi trường. Theo ước tính của Hội Lạnh quốc tế (IIR), lĩnh vực lạnh và điều hòa không khí tiêu thụ khoảng 20% tổng lượng điện năng thương phẩm trên toàn thế giới và môi chất lạnh phát thải trực tiếp khoảng 37% tác động đến quá trình nóng lên toàn cầu.

Năm 2019, Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn Bản sửa đổi bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Theo Điều 5 Bản sửa đổi bổ sung Kigali, Việt Nam là quốc gia thuộc “Nhóm 1” phải cắt giảm 80% lượng môi chất lạnh thuộc nhóm HFC vào năm 2045. Thực hiện quy định nêu trên, ngày 07/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Nghị định số 06/2022/NĐ-CP là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên quy định về quản lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát thuộc Nghị định thư Montreal (gọi tắt là các chất được kiểm soát) theo quan điểm quản lý vòng đời trong lĩnh vực lạnh và điều hòa không khí.

Ảnh minh hoạ

Tại khoản 6 Điều 28 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định: “Bộ TN&MT xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát” (gọi tắt là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia).

Ngày 16/11/2021, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 2234/QĐ-BTNMT về việc phê duyệt Danh mục xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Bộ TN&MT giai đoạn 2022-2025. Theo đó, tại mục II của Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 2234/QĐ-BTNMT giao Cục Biến đổi khí hậu chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan biên soạn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nêu trên.

Do đó, việc xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là cần thiết nhằm triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020, các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là quốc gia thành viên. Đồng thời việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia góp phần đảm bảo kiểm soát chất lượng của các chất được kiểm soát qua tái chế hoặc tái sử dụng sau khi thu gom từ thiết bị. Góp phần giảm phát thải trực tiếp từ các chất được kiểm soát trong lĩnh vực lạnh và điều hòa không khí tại Việt Nam.

Bộ TN&MT kỳ vọng, khi quy chuẩn được ban hành sẽ  góp phần thực thi hiệu quả các nội dung về ứng phó biến đổi khí hậu quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu mà Việt Nam là quốc gia thành viên. Đồng thời, đảm bảo kiểm soát chất lượng các chất được kiểm soát qua tái chế hoặc tái sử dụng sau khi thu gom từ thiết bị, góp phần giảm phát thải trực tiếp từ các chất được kiểm soát trong lĩnh vực lạnh và điều hòa không khí tại Việt Nam.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích