Sắp có App hỏi – đáp pháp luật trên thiết bị di động thông minh cho người lao động

Bộ Tư pháp vừa ban hành Kế hoạch xây dựng dữ liệu hỏi – đáp pháp luật, phục vụ xây dựng ứng dụng phần mềm (App) phổ biến, giáo dục pháp luật trên thiết bị di động thông minh, hướng tới đối tượng sử dụng là thanh, thiếu niên và người lao động trong doanh nghiệp.

Dự kiến sẽ có 450 tình huống pháp luật mới, liên quan thiết thực đến thanh, thiếu niên và người lao động sẽ được thu thập, lựa chọn, xây dựng từ thực tiễn theo dõi, quản lý nhà nước của các bộ, ngành trung ương và các địa phương.

Sắp có App hỏi - đáp pháp luật trên thiết bị di động thông minh cho người lao động
Mô hình tuyên truyền “Cầu thang pháp luật” tại thang máy các khu chung cư ở Hà Nội.

Nguồn dữ liệu gồm các câu hỏi – đáp pháp luật đã được đăng tải trên cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp và được cập nhật phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Trong đó, để phục vụ đối tượng là thanh, thiếu niên, các tình huống pháp luật được lựa chọn sẽ gồm các lĩnh vực pháp luật về: Hôn nhân – gia đình; phòng, chống tệ nạn xã hội; giáo dục đào tạo; phòng, chống Covid-19; xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực (bạo lực học đường; mạng internet; giao thông đường bộ, lao động vị thành niên).

Với người lao động trong các doanh nghiệp, các tình huống được lựa chọn là các lĩnh vực pháp luật về: Lao động (quyền và nghĩa vụ của người lao động; việc làm, tuyển dụng; hợp đồng lao động; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; chế độ đối với lao động nữ; giải quyết tranh chấp lao động; tiền lương…); bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; an toàn vệ sinh lao động.

Dữ liệu hỏi đáp được xây dựng sẽ là tập hợp những câu hỏi đáp pháp luật điển hình, ngắn gọn, dễ hiểu, nội dung thiết thực, phù hợp với nhu cầu tìm hiểu, tư vấn pháp luật của thanh, thiếu niên và người lao động. Trong đó, với các tình huống pháp lý, phần giải quyết tình huống sẽ có sự phân tích sự việc, đối chiếu với các quy định pháp luật và hướng dẫn cách giải quyết cụ thể.

Theo Kế hoạch, các đơn vị phối hợp thực hiện là Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Sở Tư pháp các tỉnh, thành.

Dự kiến việc xây dựng App về phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ được hoàn thành trước ngày 5/11/2021, nhằm tạo thêm kênh thông tin, tuyên truyền pháp luật hữu ích, thiết thực hơn với thanh, thiếu niên và người lao động trong các doanh nghiệp.

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích