Sáng tạo và đổi mới cần được giải phóng

Theo ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, khi thế giới ngày càng phát triển và biến động, các giải pháp đổi mới và sáng tạo càng trở nên cần thiết hơn. Nhiều cuộc khủng hoảng mà chúng ta phải đối mặt trên thế giới ngày nay đòi hỏi các giải pháp mang tính đột phá.

“Đổi mới và sáng tạo không tự nhiên mà có. Chúng ta cần môi trường thuận lợi để thúc đẩy nó. Chìa khóa ở đây chính là một nền giáo dục có chất lượng cho tất cả mọi người”, ông Christian Manhart khuyến nghị.

Ông Christian Manhart đánh giá cao sự tham gia tích cực của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục (TES) năm 2022 ở New York vào năm 2022 và việc tích cực thực hiện các cam kết trong những lĩnh vực then chốt, đặc biệt là cam kết của Việt Nam trong việc ưu tiên phát triển nền giáo dục có chất lượng, công bằng và bao trùm, ở đó có thể trao quyền cho tất cả mọi người.

Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam.

Các lĩnh vực STEM (khoa học công nghệ, kỹ thuật và toán học) là những vườn ươm đặc biệt quan trọng cho sự đổi mới trong tương lai. Trên thực tế, đến năm 2050, dự đoán 75% công việc trên toàn cầu có liên quan đến STEM. Ngày nay, tỉ lệ nữ sinh viên tốt nghiệp đại học trong lĩnh vực STEM ở Việt Nam là 36,5%. Việc khuyến khích và hỗ trợ trẻ em gái theo đuổi các lĩnh vực STEM sẽ rất cần thiết, không chỉ từ góc độ bình đẳng giới mà còn là động lực để thúc đẩy sự đổi mới trong tương lai.

Theo ông Christian Manhart, một môi trường thuận lợi cho đổi mới và sáng tạo cũng bao gồm việc trao quyền cho thanh niên. Cần thiết lập các nền tảng để thanh niên được nói lên tiếng nói của mình, hiện thực hóa ý tưởng và sáng kiến của mình, để từ đó họ có thể đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.

“Trong thời gian tới, nhất là để đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, sáng tạo và đổi mới cần được giải phóng. Chúng ta cần bảo đảm cơ hội bình đẳng để tất cả mọi người có thể tham gia đóng góp; cần giải phóng tiềm năng to lớn của Việt Nam để có thể trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo”, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh.

Theo ông Vũ Văn Tích, Trưởng Ban Khoa học công nghệ (ĐHQG Hà Nội), trong gần 40 năm đổi mới của Việt Nam, với việc tháo gỡ cơ chế quản lý mang tính kế hoạch sang khoán theo sản phẩm đầu ra (Khoán 10) đã đưa Việt Nam phát triển được như ngày hôm nay. Hơn 30 năm mở cửa, hội nhập, nền kinh tế nước ta hội nhập tốt với nền kinh tế thế giới và hệ thống doanh nghiệp đã phát triển hùng hậu.

Đổi mới sáng tạo trong hoạt động khoa học và công nghệ mới bắt đầu được hơn 10 năm với sự xuất hiện của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) do Bộ KH&CN chủ trì đã làm thay đổi cốt lõi của một nền kinh tế công nghiệp, trong đó có liên quan lớn với hoạt động của các trường đại học.

Ông Vũ Văn Tích, Trưởng Ban Khoa học công nghệ (ĐHQG Hà Nội) đề nghị Chính phủ và Bộ KH&CN tiếp tục đầu tư hơn nữa đề hình thành cho được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Để tiếp tục có những đối mới sáng tạo thành công, ông Vũ Văn Tích đề nghị Chính phủ và Bộ KH&CN tiếp tục đầu tư hơn nữa đề hình thành cho được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của 4 thành phần: Chính phủ -doanh nghiệp-trường đại học-viện nghiên cứu để làm động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó coi trọng các đại học lớn để đầu tư; cho phép các trường đại học được thí điểm một số cơ chế chính sách mang tính đột phá để sớm đưa các kết quả của hoạt động đổi mới sáng tạo vào cuộc sống…

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Đắc Thuần, Chủ tịch Công ty cổ phần phần IP GROUP cho rằng, hiện nay, tính gốc của đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam chưa chủ động, lâu dài, vẫn phụ thuộc nhà máy và cốt lõi công nghệ của các tập đoàn nước ngoài. Ông Ngô Đắc Thuần cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của tài sản trí tuệ, yếu tố định hướng và quyết định hiệu quả đổi mới sáng tạo là bằng sáng chế.

Theo Bộ KH&CN, thời gian qua, Bộ đã nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tìm kiếm, kết nối, tận dụng sự giúp đỡ, hợp tác của các quốc gia, tổ chức quốc tế… Các kênh hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động này ngày càng đa dạng, phong phú, như: Thúc đẩy phát triển lực lượng doanh nghiệp khoa học công nghệ; khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới công nghệ, thu hút chuyên gia giỏi nước ngoài, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thông qua tài trợ của Quỹ Phát triển Khoa học công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia và các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia…

Theo bảng xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2022 do WIPO công bố, Việt Nam hiện tại được đánh giá có năng lực đổi mới sáng tạo xếp vào hạng cao nhất trong số những quốc gia đang phát triển, xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế, giữ vị trí thứ 4 khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (thứ 7), Malaysia (thứ 36) và Thái Lan (thứ 43).

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam được đánh giá ở vị trí 54 trên thế giới, thứ 12 khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2022 (theo đánh giá của Startup Blink). Những xếp hạng trên thể hiện tiềm năng, sức bật của nước Việt Nam trong bối cảnh quốc gia còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức khi các yếu tố kinh tế vĩ mô, địa chính trị đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích