Sản xuất xi măng tái chế ít phát thải CO2

Sản xuất xi măng tái chế ít phát thải CO2

Một loại xi măng mới vừa được phát triển bằng cách sử dụng xi măng phế thải từ các tòa nhà bị phá hủy và lò nung hồ quang điện của ngành thép.

Trên tạp chí Nature Các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge vừa công bố phát triển thành công một phương pháp sản xuất xi măng ít carbon với chi phí thấp trên quy mô lớn, mở ra triển vọng mới cho ngành xây dựng bền vững. Phương pháp này tận dụng xi măng phế thải từ các tòa nhà bị phá hủy và lò nung hồ quang điện của ngành thép. 

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. ITN

Bí quyết của công nghệ mới là tái chế xi măng cũ bằng cách nung nóng và kích hoạt lại các hợp chất bên trong nó thông qua các lò nung hồ quang điện dùng để tái chế thép. Quy trình này không chỉ giảm thiểu phản ứng hóa học phát thải CO2 khi biến đá vôi thành xi măng mới, mà còn tận dụng nguồn điện để cung cấp năng lượng cho lò nung, thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Quá trình sản xuất bắt đầu bằng việc nghiền nát bê tông từ các tòa nhà bị phá hủy để tách xi măng ra khỏi cốt liệu. Xi măng phế thải sau đó được đưa vào lò luyện thép và sử dụng như một “chất trợ dung” thay thế vôi, giúp loại bỏ tạp chất khỏi kim loại nóng chảy. Sản phẩm phụ xỉ được loại bỏ và làm nguội nhanh chóng sẽ chuyển thành xi măng Portland chất lượng cao.

Các thử nghiệm ban đầu cho thấy xi măng tái chế này có độ bền tương đương với xi măng thông thường. Đặc biệt, phương pháp này sử dụng các quy trình và thiết bị hiện có, giúp tiết kiệm chi phí và dễ dàng mở rộng quy mô sản xuất. Nhóm nghiên cứu dự kiến công nghệ này có thể đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu xi măng của Anh trong vòng 10 năm tới.

Mặc dù đây là một bước tiến lớn, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng việc sản xuất xi măng không phát thải carbon chỉ là một phần của giải pháp. Cần phải giảm lượng xi măng và bê tông sử dụng trong xây dựng để thực sự giảm thiểu tác động môi trường.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích