Sản xuất thuốc cao không phép, quảng cáo sai sự thật để lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị xử lý hình sự ?

Sau khi vụ việc bị phanh phui, Sở Y tế tỉnh Hà Giang đã vào cuộc kiểm tra xử lý, xử phạt đơn vị này 62,5 triệu đồng, thu hồi giấy phép hoạt động 03 tháng, tuy nhiên, với những sai phạm có quy mô lớn, diễn ra suốt thời gian dài, hàng chục tấn thuốc đã được bán ra thị trường, trong đó có nhiều loại thuốc mà cơ sở bà Thái không được phép sản xuất và tiêu thụ như cao thuốc dạ dày, xương khớp, nám tàn nhang, mất ngủ, viêm gan, ung thư…, để thu về hàng chục tỷ đồng. 

88e0a0c53c8fcad1939e
Luật sư Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Công ty Luật An Hoàng Gia – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Công ty Luật An Hoàng Gia – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội chia sẻ quan điểm như sau: “Nếu đúng như thông tin mà báo chí phản ánh về nhóm người dựng lên lương y chữa bách bệnh, và quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng là chuyên điều trị Ung thư, xương khớp… để cho người bệnh tin tưởng nhằm chiếm đoạt tiền của người bệnh thì nhóm đối tượng trên có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, với mức hình phạt cao nhất nhất lên đến 20 năm tù hoặc chung thân”.

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.….”

Bởi lẽ nhóm đối tượng trên đã dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin không đúng sự thật, nhằm tạo niềm tin cho người bệnh là: “bà Thái chữa được bách bệnh, các bài thuốc đều được cơ quan chức năng ngành y tế cấp đầy đủ, nên người bệnh cứ yên tâm mua thuốc về dùng”. Cách thức đưa thông tin giả này là dựng hình ảnh, clip quảng cáo mà “trên nội dung quảng cáo, cho thấy cơ sở chế biến các loại thuốc, cao, thảo dược của vị lương y tự phong có quy mô khá lớn, đi kèm với đó là bảng danh mục chữa hàng loạt loại bệnh, được các “bệnh nhân” tung hô nhờ tài trị bệnh của cô Thái mà khỏi”. Đánh vào tâm lý của người bệnh, để họ tin tưởng qua đó chiếm đoạt tiền của người tiêu dùng. Thiết nghĩ qua sự việc trên, những cá nhân, tổ chức khi thấy có dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật thì cần phải gửi đơn đến cơ quan Cảnh sát điều tra để xem xét khởi tố vụ án, điều tra làm rõ xem có hay không những hành vi vi phạm trên để ngăn chặn kịp thời những hành vi coi thường pháp luật của các đối tượng. Bên cạnh đó còn kịp thời cảnh tỉnh răn đe những ai có ý định coi thường sức khỏe của người bệnh với mục đích kiếm tiền bằng mọi giá.

0ddebcfa20b0d6ee8fa1
Một trong những sản phẩm bà Thái không được phép sản xuất và tiêu thụ cao thuốc dạ dày.

Về việc thu hồi dược liệu, theo Quyết định số 39/2007/QĐ-BYT ngày 12/11/2007 Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành quy chế xét duyệt cấp “Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền” thì việc “khám, chữa bệnh bằng bài thuốc gia truyền” (điểm a, khoản 1, điều 5 Quyết định 39) không có quy định cụ thể về dược liệu sử dụng, dược liệu, bài thuốc được sử dụng sẽ nằm trong hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận kể trên và được Hội đồng thẩm định cụ thể. Tuy nhiên nếu “Sản xuất, kinh doanh bằng bài thuốc gia truyền”, thì phải tiến hành thủ tục đăng ký theo quy định của Bộ Y tế (điểm b khoản 1 điều 5 quyết định 39). Khi đó, vấn đề chất lượng về dược liệu sẽ được quy định cụ thể. Với trường hợp của bà Thái, hiện rõ ràng quảng cáo kinh doanh các sản phẩm thuốc nhưng vẫn núp dưới bóng “bài thuốc gia truyền” nên khá khó để kiểm định các dược liệu đã được bà Thái sử dụng. Ngoài bài thuốc hiếm muộn vô sinh đã được công nhận, đối với các bài thuốc mà bà Thái bán không được cấp phép thì cơ quan chức năng hoàn toàn có thể thu hồi toàn bộ dược liệu không rõ nguồn gốc kể trên. Chưa kể việc Sở y tế Hà Giang đã tiến hành thu hồi hiệu lực giấy phép 03 tháng đối với giấy phép duy nhất bà Thái đang có, nên hiện bà Thái không có bất kỳ cơ sở nào để tiếp tục bán thuốc. Nếu bà Thái vẫn tiếp tục quảng cáo, bán hàng… thì các cơ quan chức năng nên sớm vào cuộc làm rõ các hành vi vi phạm, sớm có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm, hạn chế thiệt hại cho người tiêu dùng. 

Như vậy, những hoạt động ở cơ sở của bà Nguyễn Thị Thái có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật rất rõ ràng, đề nghị các cơ quan chức năng hữu quan ở tỉnh Hà Giang cần sớm vào cuộc, kiểm tra xử lý dứt điểm, giữ nghiêm kỷ cương phép nước, tránh bức xúc trong dư luận Nhân dân. 

 

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích