Sản xuất thành công giày chống loét chân cho bệnh nhân đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh chóng trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính vào năm 2030, hơn 334 triệu người sẽ mắc bệnh đái tháo đường. Một trong những biến chứng có liên quan nhất được gọi là bàn chân đái tháo đường, thường dẫn đến việc phải cắt cụt chi.
Nguyên nhân chính của loét bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường được cho là do áp lực vùng chân cao bất thường thứ phát. Chính vì vậy, có thể giảm được tình trạng cắt cụt chi nếu người bệnh ngăn ngừa loét bàn chân một cách hiệu quả. Có thể áp dụng chuẩn đoán sớm thông qua theo dõi bàn chân và khuyến cáo sử dụng giày dành cho người đái tháo đường, thay vì các loại giày dép thông thường.
Theo TS. BS Phan Hoàng Hiệp, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tại Việt Nam, 50% – 60% bệnh nhân đái tháo đường phải nhập viện do bệnh bị biến chứng gây tổn thương bàn chân, trong đó có đến 25% trường hợp phải cưa chân. Đây là hậu quả rất đáng tiếc do việc điều trị bệnh muộn và sử dụng giày dép không phù hợp. Thực tế, ở các nước phát triển cho thấy nếu như bệnh nhân kịp thời kiểm soát lượng đường huyết tốt, đi giày dép phù hợp sẽ tránh được nguy cơ phải phẫu thuật cắt bỏ chân.
Viện Nghiên cứu Da – Giày đã kết hợp với Bệnh viện Nội tiết Trung ương nghiên cứu vật liệu phù hợp để thiết kế và chế tạo được các loại giày cho bệnh nhân đái tháo đường tại Việt Nam, điều này là rất cần thiết, có tính khoa học và thực tiễn cao. Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn từ nguyên liệu làm giày đến đế, lót… đảm bảo người sử dụng thoải mái nhất nhưng vẫn tạo khả năng kháng khuẩn, phòng chống viêm nhiễm, loét chân.
Giày chống loét chân cho người mắc bệnh đái tháo đường.
Nhóm nghiên cứu đã thiết kế 2 mẫu giày nam và 2 mẫu giày nữ, chế thử 40 đôi để thử nghiệm cho bệnh nhân đái tháo đường – Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Sau khi đánh giá độ bền của giày trong phòng thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã kết hợp cùng khoa bàn chân – Bệnh viện Nội tiết Trung ương kiểm nghiệm lâm sàng sản phẩm trên bệnh nhân, thử nghiệm trong thực tế và tìm hiểu thêm các vấn đề có thể nảy sinh.
Thời gian đi thử sản phẩm là 7 ngày, 14 ngày, 30 ngày. Kết quả cho thấy: Sau 7 ngày sử dụng hàm lượng nano bạc đã giảm, tuy nhiên giảm không nhiều. Điều này có thể giải thích là do quá trình sử dụng có sự ảnh hưởng do cọ xát giữa bàn chân với bề mặt lót giày.
Tuy nhiên khả năng bám dính trên vật liệu của nano bạc là khá tốt, do lượng nano bạc giảm không nhiều. Kết quả thử nghiệm cho thấy lót mặt rất êm chân, giữ cho lòng bàn chân khô ráo, tạo cảm giác dễ chịu cũng như giảm mệt mỏi bàn chân.
Sau thời gian sử dụng 30 ngày, theo đánh giá của người sử dụng cũng như kết quả trực quan trên sản phẩm thử nghiệm đều có độ bám dính tốt, có chất lượng tốt, giày đi êm, lòng bàn chân khô ráo, tạo cảm giác dễ chịu, giảm mệt mỏi cho bàn chân. Độ dầy của lót mặt hầu như không thay đổi, lót mặt chưa có mùi, thấm hút mồ hôi vẫn tốt. Người sử dụng đánh giá rất cao chất lượng lót mặt.
ThS Nguyễn Hùng Sơn cho biết, kết quả của công trình nên đưa vào ứng dụng sản xuất sản phẩm giày với công tác điều trị y tế cho người bệnh đái tháo đường. Sản phẩm sẽ giúp phòng ngừa biến chứng bàn chân và hỗ trợ cho công tác điều trị, góp phần nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.
Giày cho bệnh nhân đái tháo đường được người bệnh và các bác sĩ trong ngành y đánh giá là phù hợp với người mắc bệnh tiểu đường ở mức nhẹ và vừa, góp phần giảm nhẹ các biến chứng liên quan đến bàn chân.
Bảo Lâm