Sản xuất nhựa sinh học từ gạo
12 năm trôi qua kể từ khi xảy ra thảm họa kép động đất và sóng thần, tàn phá nhà máy điện hạt nhân Fukushima, phía Đông Bắc Nhật Bản, nhiều vùng đất đã bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó các mặt hàng nông sản khó tiêu thụ.
Nhằm tìm đầu ra cho gạo của địa phương, một hãng công nghệ ở Fukushima đã khởi động dự án sản xuất nhựa sinh học từ gạo. Dự án do hãng công nghệ Biomass Resin triển khai tại thị trấn Namie, cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 chỉ khoảng 10 km về phía Bắc. Theo đó, từ tháng 11/2022, một nhà máy đã được mở ở Namie, chuyên thu mua gạo từ các hợp tác xã trong vùng để xử lý.
Trước đây, gạo trồng tại Namie không thể bán được bởi các lo ngại nhiễm phóng xạ và chỉ được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Nhưng giờ đây, người dân Namie có thể yên tâm về một đầu ra ổn định nhờ dự án biến gạo thành các hạt nhựa Carbon thấp.
Một hãng công nghệ ở Fukushima đã khởi động dự án sản xuất nhựa sinh học từ gạo.
Tại nhà máy này, gạo được kết hợp với các hạt nhựa nhỏ, làm nóng và nhào trộn rồi tạo hình thành các viên nhỏ màu nâu. Các viên này có thể chứa 50% hoặc 70% gạo, sau đó được gửi đến các công ty sản xuất ra các đồ nhựa ít Carbon như dụng cụ ăn và hộp đựng thức ăn mang đi trong các chuỗi nhà hàng, túi nhựa ở các bưu điện và quà lưu niệm bán ở những sân bay quốc tế lớn nhất của Nhật Bản.
Ông Abe Jinichi, nông dân tham gia dự án cho biết: “Tôi muốn góp phần giảm rác thải nhựa. Ngoài ra, tôi còn muốn giúp sức trong việc tái thiết Namie. Vì vậy, tôi đã quyết định hợp tác với hãng Biomass Resin trong dự án này”.
Các chuyên gia cho biết, lúa hấp thụ ít phóng xạ Cesium và các xét nghiệm cho kết quả gạo tại Namie không vượt quá mức giới hạn. Điều này đồng nghĩa với việc nhựa sản xuất từ gạo là an toàn. Hiện tại, các sản phẩm làm từ nhựa sinh học đang nhận được sự đón nhận tích cực từ người tiêu dùng.
Bảo Lâm