Sản xuất công nghiệp tăng tốc về đích

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực, tính chung 10 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,3 % so với cùng kỳ năm trước. Nhiều ngành quan trọng thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều lao động và có kết quả sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: ngành điện, điện tử; ngành gỗ và sản phẩm gỗ; ngành dệt, may, da giày… Những tháng cuối năm được xem là thời điểm nước rút để các doanh nghiệp tăng tốc, về đích, là thời điểm ‘vàng’ để doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, ký kết đơn hàng, chuẩn bị kế hoạch cho năm mới.

Theo chia sẻ của ông Thân Đức Việt – Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần May 10 – thay vì phải đi tìm kiếm đơn hàng hàng tuần, hàng tháng như năm trước, từ đầu năm 2024, lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu… được đặt hằng tháng và đến nay, doanh thu của doanh nghiệp đã tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp cũng đã có đơn hàng đến trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 44 tỷ USD như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%. Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến quý 1/2025, đang đàm phán đơn hàng cho quý 2/2025.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Phúc – Đại diện Công ty Cổ phần Kết nối thời trang Faslink – thị trường chính của doanh nghiệp vẫn là Việt Nam, chiếm hơn 90% doanh thu. Trong 2 năm trở lại đây, doanh nghiệp đã xuất khẩu thành công một số đơn hàng sang thị trường Thái Lan, Indonesia, và thị trường Trung Đông.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung mười một tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%, đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,2%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,6%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 7,3%, làm giảm 1,2 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Trong đó, địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng cao: Phú Thọ tăng 42,1%; Lai Châu tăng 39,9%; Bắc Giang tăng 28,3%; Quảng Nam tăng 20,7%; Thanh Hóa tăng 19,3%.

5 tỉnh có chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng đầu năm 2024 tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước (Nguồn: Trần Linh)

Liên quan tới các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, sự đánh giá của doanh nghiệp kỳ này nhìn chung tích cực hơn so với khảo sát tháng 4/2023 và tháng 12/2023 ở tất cả các khía cạnh. Nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, giảm tiền thuê đất và cơ cấu nhóm nợ, giúp kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn, đạt mức tăng trưởng cao so với các quốc gia khác.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương – Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam – nhận định, khung chính sách cho công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực điện tử chỉ mới có Nghị định 111; ngoài ra, Bộ Công thương cũng đang xây dựng dự thảo Luật Công nghiệp trọng điểm, trong đó công nghiệp hỗ trợ là một trong những hạng mục quan trọng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, triển vọng kinh tế thế giới đang sáng hơn, sức cầu đã quay trở lại. Nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội trong bối cảnh biến động của địa chính trị và kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tạo ra những thuận lợi trong thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh thời gian tới.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích