Sản xuất an toàn giữa ‘bão dịch’: Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Đại diện Ban quản lý một số khu công nghiệp và chủ doanh nghiệp cho biết ngay cả khi đã phải dừng sản xuất theo phương án “3 tại chỗ,” việc quản lý, đưa công nhân trở về nơi cư trú cũng gặp khó khăn.
Bên trong một phòng lưu trú đảm bảo về điều kiện giãn cách tại nhà máy sản xuất gạch men trên địa bàn huyện Tam Nông, Đồng Tháp. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN) |
“Cơn bão COVID-19” lần thứ tư đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa nỗ lực duy trì hoạt động để không đứt gãy chuỗi sản xuất.
Dù đã rất nỗ lực nhưng nhiều doanh nghiệp ở khu vực phía Nam đã phải ngưng hoạt động vì phát hiện công nhân nhiễm COVID-19 cũng như nhà máy không đảm bảo sản xuất “3 tại chỗ” theo quy định.
Khó khăn trên “trận địa” 3 tại chỗ
Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh, để đáp ứng các yêu cầu về ngăn chặn dịch, đảm bảo an toàn trong môi trường sản xuất, nhiều doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang… đã thực hiện giải pháp “3 tại chỗ” (làm việc, ăn và nghỉ tại nhà máy) hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” (ăn, ở và sản xuất tại 2 địa điểm nhưng tổ chức đưa đón công nhân trên 1 cung đường) cho người lao động, với mong muốn vừa trụ vững giữa bão dịch, vừa góp phần giảm gánh nặng cho xã hội khi vẫn duy trì được việc làm và thu nhập cho công nhân, người lao động.
Thế nhưng, theo thông tin từ các địa phương, tính đến ngày 31/7, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm ngưng hoạt động do đã xuất hiện các ca nhiễm ngay trong khu vực sản xuất.
Cụ thể, tại tỉnh Tiền Giang, thực tế thực hiện phương án “3 tại chỗ” của các doanh nghiệp trong các khu cụm công nghiệp đã phát sinh ổ dịch, điển hình như: tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Mỹ Tho đã xuất hiện 180 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 hoặc tại một doanh nghiệp khác ở Khu công nghiệp Long Giang có gần 130 trường hợp mắc COVID-19.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang đã quyết định cho tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh từ ngày 5/8/2021 cho đến khi có thông báo mới.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang cũng yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang, trong thời gian từ ngày 29/7-4/8, hoàn thành việc xét nghiệm tầm soát bằng phương pháp Realtime RT-PCR cho tất cả công nhân, người quản lý của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp.
Tại tỉnh Bình Dương, một số doanh nghiệp đang duy trì sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” cũng đã buộc phải tạm dừng do trong khu vực sản xuất, nghỉ ngơi của công nhân đã xuất hiện nhiều ca mắc COVID-19.
Ông Phạm Công Phước – Giám đốc điều hành Công ty An Khang Furniture, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) cho biết việc thực hiện sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” với doanh nghiệp là rất khó khăn.
Khó khăn thứ nhất là sự đồng thuận của công nhân, nếu chỉ 20-30% người lao động đồng ý thực hiện thì không hiệu quả vì ngành gỗ sử dụng rất nhiều lao động. Công ty phải tổ chức 4 lần họp mới huy động được 65% công nhân.
Khó khăn thứ hai là khâu tổ chức test đầu vào. Khó khăn thứ ba là việc sắp xếp ăn uống, ngủ nghỉ tại chỗ. Đây là áp lực cực kỳ lớn vì nhà máy vốn là nơi chỉ để sản xuất. Sau khi tạm đủ cơ sở vật chất thì vấn đề nguyên vật liệu để sản xuất có đủ hay không.
Hiện nay, doanh nghiệp đang cố gắng tháo gỡ khâu nguyên liệu song không dám chắc chắn có thể vượt qua được hay không, vì nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng là rất lớn trong khi đặc thù ngành gỗ đòi hỏi nhiều nhà cung ứng, không thể làm một mình được, ông Phước cho hay.
Thực trạng này cho thấy việc duy trì sản xuất đối với các doanh nghiệp trong thời điểm dịch COVID-19 lây lan mạnh tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là hết sức khó khăn.
Đại diện Ban quản lý một số khu công nghiệp và chủ doanh nghiệp cho biết ngay cả khi đã phải dừng sản xuất theo phương án “3 tại chỗ,” việc quản lý, đưa công nhân trở về nơi cư trú cũng gặp nhiều khó khăn do cần phải liên hệ, phối hợp được với chính quyền và y tế địa phương trong việc xét nghiệm, theo dõi, giám sát các trường hợp trở về địa phương để thực hiện việc phòng dịch.
Thậm chí có đưa công nhân trở về nơi cư trú được hay không cũng là vấn đề lớn khi chính nơi đó cũng đang bị phong tỏa, các tuyến đường trở về bị hạn chế đi lại.
Thực hiện nghiêm các giải pháp
Hiện nay, cùng với việc yêu cầu các doanh nghiệp đã có các ca mắc COVID-19 trong quá trình sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” phải tạm dừng sản xuất để thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các địa phương cũng kiểm tra lại, đánh giá nguyên nhân phát sinh các trường hợp dương tính trong các doanh nghiệp này để có những biện pháp điều chỉnh phù hợp, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe người lao động và tạo điều kiện để doanh nghiệp sớm sản xuất trở lại.
Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, Sở Công Thương đã đi kiểm tra gần 100 doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ,” nhận thấy có doanh nghiệp làm bài bản, nhưng có doanh nghiệp lại thực hiện chưa bài bản, do chưa dự đoán được diễn biến nên lên phương án “trật đường ray.” Do đó, những doanh nghiệp đã làm tốt cần chia sẻ kinh nghiệm.
Ở góc độ doanh nghiệp, nhận thức rõ duy trì sản xuất trước hết phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, Giám đốc sản xuất Công ty trách nhiệm hữu hạn gỗ Hạnh Phúc ở Đồng Nai, ông Lê Xuân Tân chia sẻ dù gặp rất nhiều khó khăn, doanh nghiệp cố gắng sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” với mong muốn duy trì sự sống của doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi, cuộc sống của công nhân.
Để thực hiện sản xuất theo phương án này, doanh nghiệp phải “bịt kín” được vòng ngoài với vòng trong. Số người ở vòng ngoài không được vào vòng trong. Các khu ăn ở được bố trí thông thoáng, có khu vệ sinh riêng theo nhóm để dễ kiểm soát.
Khu vực ăn uống phục vụ công nhân lưu trú. (Ảnh: Công Phong/TTXVN) |
Liên quan đến các giải pháp phòng chống COVID-19 đối với các doanh nghiệp, Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng tùy theo quy mô, mỗi doanh nghiệp sẽ có những mô hình phù hợp để giữ cho doanh nghiệp an toàn với COVID-19, song các mô hình đều phải tuân thủ nguyên tắc chủ động, từ lãnh đạo cao nhất đến tất cả nhân viên cần nhận thức rõ và đồng lòng cùng tham gia phòng, chống dịch. Bởi lẽ, nếu chỉ tập trung mục tiêu sản xuất, dịch bệnh xảy ra, công ty sẽ bị thiệt hại nặng nề hơn.
Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung cho rằng một mô hình an toàn hiệu quả trước hết doanh nghiệp phải có Ban chỉ đạo đủ mạnh, đủ thành phần do chính lãnh đạo doanh nghiệp trực tiếp điều hành; tổ chức tuyên truyền cho toàn thể công ty hiểu rõ về dịch bệnh, sự cần thiết phải tuân thủ thông điệp 5K.
Công ty cũng cần xây dựng được kế hoạch ứng phó về chuyên môn và tổ chức, phát hiện sớm, khoanh vùng, ngăn chặn được nguồn lây thì những phần còn lại của doanh nghiệp vẫn an toàn.
Mới đây, kiểm tra phòng dịch COVID-19 tại một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Bình Chánh và thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), Tổ công tác của Bộ Y tế khuyến cáo trong môi trường đông công nhân, khi xuất hiện nhiều ca nhiễm COVID-19 thì tốc độ lây nhiễm rất cao.
Do đó, để phòng dịch hiệu quả, mỗi doanh nghiệp cần có kế hoạch phân công cụ thể từng nhiệm vụ cho các thành viên trong Tổ COVID-19 của doanh nghiệp.
Không chỉ chú ý khu vực sản xuất mà các doanh nghiệp cần lưu ý thường xuyên khử khuẩn khu vực ăn uống, nghỉ ngơi của công nhân, lưu ý người lao động thực hiện nghiêm các quy định 5K trong quá trình thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến.”
Trong trường hợp phát hiện có ca nhiễm COVID-19 tại doanh nghiệp, theo Phó giáo sư Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, thành viên Tổ công tác của Bộ Y tế, doanh nghiệp và các đơn vị chức năng cần nhanh chóng tách các ca nhiễm ra và thực hiện các khâu cách ly, điều trị, chú ý thực hiện cách ly với các trường hợp F1 thật nghiêm.
Đại diện một số doanh nghiệp ở Bình Dương và Đồng Nai cho rằng việc cần làm lúc này là chính quyền các cấp và doanh nghiệp cần tập trung cùng nhau tìm ra các giải pháp hữu hiệu để vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa duy trì được việc làm, thu nhập tối thiểu cho người lao động, giảm gánh nặng cho xã hội.
Về phía doanh nghiệp, ngoài việc thực hiện nghiêm các hướng dẫn về tổ chức “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến,” chủ động đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, cần tổ chức diễn tập ngay và thường xuyên kịch bản phát hiện có F0 trong nhà máy, để chủ động chuẩn bị tâm lý cho công nhân không hoảng loạn khi rơi vào tình huống thực tế.
Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kép như hỗ trợ chi phí xét nghiệm, “luồng xanh” vận tải, tài chính-thuế, ưu tiên tiêm vaccine… từ phía nhà nước là rất cần thiết, vì đây là các doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm với nhà nước trong việc ổn định an sinh xã hội.
Đồng thời, cơ quan quản lý lập đường dây nóng phân công cán bộ cụ thể phụ trách từng khu công nghiệp hoặc nhóm các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” để xử lý kịp thời phản ánh của doanh nghiệp, đặc biệt là khi có tình huống xấu có ca F0 trong nhà máy, để doanh nghiệp không bị lúng túng, công nhân và người lao động không bị hoảng loạn.
Cơ quan quản lý cũng có thể tính toán, xem xét chuyển doanh nghiệp có F0 thành địa điểm cách ly, bố trí y tế theo dõi, giảm tải áp lực cho các địa điểm cách ly tập trung hiện nay./.
Nguồn: Báo xây dựng